Đúng với mục tiêu an sinh xã hội, quan tâm nhiều đến quyền lợi của người tham gia BHYT, mở rộng phạm vi quyền lợi và mức hưởng BHYT nhằm giảm gánh nặng chi phí khám chữa bệnh (KCB), tăng khả năng tiếp cận dịch vụ y tế đối với một số đối tượng chính sách, BHXH Tỉnh Bắc Ninh cũng như các cán bộ BHXH các huyện trên địa bàn luôn nỗ lực tuyên truyền và hỗ trợ toàn dân đặc biệt là người dân hộ nghèo mua, cấp phát thẻ BHYT.
BHYT cứu sống bệnh nhân nghèo
Sáu năm về trước, chị Nguyễn Thị Lan (43 tuổi ở Thôn Ngọc Khám, Gia Đông, Thuận Thành, Bắc Ninh) đi khám và phát hiện ra mình bị mắc bệnh bạch cầu.
Từ đó đến nay, hàng tháng chị phải đến Bệnh viện Huyết học và Truyền máu Trung Ương, Hà Nội khám và nhận thuốc điều trị.
|
|
Đoàn cán bộ BHXH Thuận thành đến thăm chị Nguyễn Thị Lan, bệnh nhân mắc bệnh Bạch cầu được chi trả từ BHYT hàng năm, và thống kê năm 2018 là 137,691,908đ |
Chị Lan nhớ lại: “ Khi nghỉ việc nhà nước tôi bị ngắt quãng không mua BHYT mất một năm. Sau đó, mua lại vừa được trả thẻ BHYT thì 03 ngày tôi đi khám bệnh. Lúc đó tôi nghĩ đơn giản ai ngờ bác sỹ Tường - Bệnh viện Huyết học và Truyền máu Trung Ương thông báo tôi mắc bệnh bạch cầu. Bác sỹ cũng đề nghị tôi mua BHYT để có thể giảm chi phí khám chữa chữa bệnh dài hạn bởi căn bệnh này cần điều trị ‘trường kỳ’ và rất đắt đỏ.
Lúc đó tôi rất lo lắng sợ rằng, tôi không đủ tiền để chữa bệnh nhưng may mắn được cán bộ Bảo hiểm cũng như đội ngũ bác sỹ rất tận tình, trách nhiệm nên tôi đã chuyển được bảo hiểm y tế và được hưởng hỗ trợ từ BHYT là 80% cho toàn bộ các chi phí KCB.
Sau đợt chữa trị đầu tiên thì hàng tháng tôi vẫn phải duy trì khám và lấy thuốc điều trị. Nếu không có BHYT thì mỗi tháng tôi phải mất khoảng hơn 9 triệu đồng tiền thuốc vậy mà hiện giờ tôi khám và điều trị chỉ mất khoảng 1,2 triệu đồng thôi, còn lại các loại thuốc cao cấp đặc trị bệnh đều nằm trong danh mục thuốc được Y tế cho hưởng miễn phí, số tiền 1 tháng còn lại này bằng chi phí mua bảo hiểm của cả năm của vợ chồng tôi do chính sách mua BHYT theo hộ gia đình thì người thứ 2 trở đi được giảm.
Ơn nhờ Nhà nước có chính sách BHYT tốt, ơn nhờ các bác sỹ chữa bệnh cũng rất nhiệt tình chứ không thì những người dân mắc bệnh hiểm nghèo như tôi không có tiền cũng chịu chết, chị Lan bày tỏ.
Chị Lan cũng tâm sự them, chị tham gia BHYT hộ gia đình, chồng chị cũng mắc bệnh tiểu đường, cần chữa dài dài và khá tốn kém. “Nếu không có thẻ BHYT thì với tiềm lực kinh tế như gia đình tôi, tôi sẽ không thể trụ lại để chữa bệnh được, hết tiền thì tính mạng đành phó mặc”, chị Lan nói.
Thoát “bẫy nghèo” nhờ chính sách an sinh của BHYT
Thêm một trường hợp khác được cứu sống, thoát khỏi nợ nần từ BHYT là bà Nguyễn Thị Mầu, 65 tuổi ở xã Xuân Lâm, Huyện Thuận Thành, Bắc Ninh. Năm 2018, bà Mầu không may bị tai nạn lao động phải cắt đi một ngón tay bên bàn tay phải và mắc bệnh tim nên phải đến phẫu thuật tim tại Bệnh viện Bạch Mai.
|
|
Bà Nguyễn Thị Mầu, Bệnh nhân hộ gia đình nghèo bệnh tim được BHYT chi trả 95% chi phí chữa bệnh. |
Khi được hỏi về tình trạng sức khỏe hiện tại và chính sách BHYT đối với Bà như thế nào, Bà Mầu xúc động, khóc và trải long: “Tôi đã già yếu không làm được việc gì lại mắc bệnh hiểm nghèo trong khi gia đình tôi khó khăn quá. Ơn nhờ có chính quyền quan tâm cấp cho thẻ BHYT nên đã thoát khỏi cảnh bệnh tật.
Năm trước, khi tôi phải đi phẫu thuật thay van tim hai lá tại Bệnh Viện Bạch Mai, chi phí cho đợt chữa bệnh đó lên đến 115 triệu đồng. May mắn, BHYT như một ‘phép màu’ giảm tới 95% chi phí khám chữa bệnh và sau khi về mỗi tháng tôi còn được nhà nước cho 30.000đồng/1 tháng
Tôi biết ơn và không biết nói gì hơn là lời cảm ơn tới Nhà nước đến cơ quan Bảo hiểm đã cấp phát BHYT cho gia đình người nghèo như tôi được cứu sống và không bị nợ nần vì chi phí chữa bệnh”.
Trường hợp nhà Chị Nguyễn Thị Chuyên (36 tuổi, Thuận Thành Bắc Ninh) thuộc hộ cận nghèo nhờ BHXH mà được chữa bệnh kịp thời mà không vướng vào cảnh ‘nợ chồng nợ’. Chị Chuyên bị mắc bệnh tim bẩm sinh, chi phí khám chữa bệnh và duy trì thuốc tính đến tiền triệu/1 ngày điều trị.
Chị nói: “Với những bệnh nhân mắc bệnh mãn tính như tôi thì BHYT chính là thứ giúp tôi bấu víu vào. Trường hợp của tôi được hưởng 95% chi phí khám chữa bệnh từ BHYT, nếu khám chữa đúng tuyến thì không phải đóng thêm tiền, bởi chi phí đó đã có BHYT thanh toán, trung bình khoảng 600.000-1.000.000 đồng/ngày.
“Không có BHYT người nghèo lại bệnh tật như tôi không chịu được 01 tháng chứ nói gì thời gian dài”, Chị Chuyên chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Thanh - Phó Giám đốc BHXH huyện Thuận Thành, Bắc Ninh cho rằng: “ Ngoài các trường hợp trên, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh còn hàng trăm trường hợp khác có chi phí KCB bằng BHYT cao.
Tuy còn gặp nhiều khó khăn do số lượng người dân tham gia BHYT tăng lên nhanh, khối lượng giải quyết công việc, chế độ nhiều nhưng về phía chúng tôi vẫn luôn cố gắng nỗ lực để giải quyết kịp thời để người dân được đảm bảo chính sách an sinh trên địa bàn.
Điểm mới của Luật BHYT sửa đổi từ đầu năm 2015 bãi bỏ quy định cùng chi trả 5% đối với người nghèo, bảo trợ xã hội, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn; Bỏ quy định cùng chi trả 20% đối với thân nhân của người có công với cách mạng là cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con của liệt sĩ, người có công nuôi dưỡng liệt sĩ; giảm mức cùng chi trả từ 20% xuống còn 5% với thân nhân khác của người có công và người thuộc hộ gia đình cận nghèo. Những điểm mới này đã giúp người nghèo được tiếp cận gần hơn với BHYT”.