Theo Bộ Kế hoạch Đầu tư, 9 tháng đầu năm 2014, tình hình kinh tế xã hội của cả nước có chuyển biến tích cực trên hầu hết các lĩnh vực. Song thực tế số doanh nghiệp phải giải thể, phá sản, tạm dừng vì hoạt động khó khăn vẫn tiếp tục tăng mạnh.

 

1
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh trình bày báo cáo kinh tế xã hội


Trình bày báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế xã hội 9 tháng đầu năm 2014 – nhiệm vụ 2015 trước Thường vụ Quốc hội sáng 9-10, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, nền kinh tế Việt Nam đang tiếp tục phục hồi với tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước. Tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm đạt 5,62%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2013 (5,14%). Lạm phát được kiểm soát. Mặt bằng lãi suất có xu hướng giảm. Thu ngân sách nhà nước đạt cao.

Về các lĩnh vực cụ thể: sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng cao, tăng 8,3% (cùng kỳ năm 2013 tăng 6,8%). Sản xuất nông nghiệp đạt mức tăng trưởng cao nhất so với cùng kỳ nhiều năm qua. Xuất khẩu tiếp tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2013 và tiếp tục có xuất siêu. Việc thực hiện tái cơ cấu kinh tế đã đạt được những kết quả bước đầu tích cực.

Thẩm tra về báo cáo này, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá cao những nỗ lực và kết quả đạt được của Chính phủ trong phát triển kinh tế xã hội, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho rằng, những kết quả đạt được vẫn chưa thật sự vững chắc, còn nhiều biến động khó lường. Đặc biệt, trong quá trình phục hồi nền kinh tế, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn.

 

2
Công nghiệp xi măng và nhiều ngành khác có mức tăng trưởng thấp, hoạt động khó khăn


Theo Ủy ban Kinh tế, 9 tháng đầu năm 2014, cả nước có 52.525 doanh nghiệp thành lập mới song số doanh nghiệp phải giải thể, phá sản cũng lên tới 51.244 trường hợp, số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động là 18.873 trường hợp. Bắt đầu đã có một số doanh nghiệp quy mô trung bình và lớn mặc dù cầm cự được trong mấy năm vừa qua, nhưng đến nay vẫn phải ngừng hoạt động, giải thể, phá sản. Điều này sẽ tác động tiêu cực hơn tới vấn đề lao động, việc làm, nợ xấu ngân hàng, làm gia tăng tội phạm kinh tế...

Đáng chú ý, số nợ thuế khó thu tăng 7,3% so với cuối năm 2013. Một số ngành có đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước như khí thiên nhiên, bia, xi măng có sản lượng sản xuất tăng trưởng thấp, thậm chí giảm so với cùng kỳ như than, khí hóa lỏng, thuốc lá, xe máy... Chỉ số hàng tồn kho tăng 13,4%, cao hơn so với 2013.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh, tỷ lệ thất nghiệp chung theo báo cáo có giảm nhưng thực chất là do lao động ở khu vực chính thức đã phải chuyển sang làm việc trong khu vực phi chính thức. Đồng thời nhiều lao động thiếu việc làm, không có việc làm thường xuyên, thu nhập thấp và thiếu ổn định. Năng suất lao động xã hội thấp và có xu hướng tăng chậm lại. Đời sống một bộ phận lớn công nhân, nông dân, đồng bào dân tộc thiểu số còn hết sức khó khăn.
 

Theo ANTĐ

.