Xung quanh Dự thảo Luật phòng, chống tác hại của rượu bia: Đúng nhưng khó thực thi
Cập nhật lúc 23:55, Thứ tư, 30/07/2014 (GMT+7)
(BVPL) - Dự thảo Luật phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu, bia với quy định cấm bán rượu, bia sau 22 giờ đêm đến 6 giờ hôm sau đang nhận được nhiều phản hồi khác nhau. Trong đó, đa phần ý kiến cho rằng, đề xuất này của Bộ Y tế là đúng nhưng khó thực thi.
Suy cho cùng, nội hàm phương án này cũng chính là nhằm hạn chế tính sẵn có của đồ uống có cồn, đặc biệt là rượu, bia – một trong các giải pháp được WHO khuyến cáo tại Chiến lược toàn cầu về kiểm soát chất cồn (tháng 5/2010). Kinh nghiệm của 168 quốc gia, trong đó có 9 quốc gia ASEAN ban hành quy định về giờ và ngày bán lẻ đồ uống có cồn dưới dạng quy phạm pháp luật, đa số từ 20 đến 22 giờ hoặc 6 đến 8 giờ ngày hôm sau, ghi nhận đây là giải pháp can thiệp hiệu quả, hầu hết người dân đều dần chấp hành quy định và tỷ lệ sử dụng rượu bia nhờ đó có xu hướng giảm.
Bên cạnh việc thực hiện các biện pháp chính sách giá và kiểm soát rượu bia lậu thông qua việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt; kiểm soát lái xe uống rượu, bia bằng các biện pháp kiểm soát nồng độ cồn khi tham gia giao thông, xử phạt vi phạm hành chính, đề xuất về ngày giờ bán lẻ rượu, bia của Bộ Y tế được kỳ vọng sẽ là một trong các biện pháp hữu hiệu để kiểm soát, góp phần giảm nhu cầu sử dụng, từ đó giảm tác hại của lạm dụng rượu, bia. Cụ thể hơn là hạn chế tối đa các ảnh hưởng bất lợi về sức khỏe, tai nạn giao thông, an ninh trật tự; tạo môi trường, thói quen lành mạnh, văn minh trong việc sử dụng rượu, bia; giảm gánh nặng, chi phí khắc phục hậu quả về sức khỏe và xã hội do lạm dụng rượu, bia.
Tuy nhiên, với thói quen sử dụng và tiêu thụ rượu, bia ở nước ta như hiện nay, quy định không bán rượu, bia sau 22 giờ đến 6 giờ sáng có thể sẽ gặp nhiều khó khăn khi thực thi bởi người dân ngại thay đổi nhận thức, cơ sở kinh doanh thì sợ ảnh hưởng đến doanh thu.
V.Hà - Diệp Anh
.