(BVPL) - Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 25/10 về vụ án Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đại Dương – Oceanbank, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an cho rằng đây là vụ án rất phức tạp, vụ án điển hình trong hoạt động ngân hàng.

 


Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho biết: Theo dự kiến trong tháng 12, cơ quan tiến hành tố tụng sẽ đưa vụ án Hà Văn Thắm ra xét xử, hiện đang hoàn thiện hồ sơ kết luận bổ sung, đây là vụ án rất phức tạp, vụ án điển hình trong hoạt động ngân hàng.

Theo Thứ trưởng Lê Quý Vương, vụ án Hà Văn Thắm là vụ việc có sự tham gia của nhiều người, dưới sự chỉ đạo của một nhóm lợi ích, cá nhân chỉ đạo một nhóm thông qua hoạt động ngân hàng. Trong đó, thủ đoạn chính là lập các công ty con dưới danh nghĩa của công ty lớn, có quy mô trên thị trường, chuyển tiền lòng vòng giữa công ty này công ty kia, mua bán bất động sản,…

“Nguy hiểm nhất là các công ty này đầu tư không đúng với hoạt động của doanh nghiệp, trái ngành nghề, dễ dẫn đến sụp đổ. Một đặc điểm của hệ thống ngân hàng Việt Nam là huy động tiền gửi từ người dân theo kì hạn, hoặc không kì hạn, nhưng ngân hàng lại dùng tiền đó để cho các công ty, tổ chức vay đầu tư theo dài hạn. Lấy tiền ngắn hạn để đầu tư dài hạn là rất rủi ro. Đây là điểm bất cập trong hệ thống ngân hàng” – ông Vương nói.

Thứ trưởng Lê Quý Vương cho hay: Ở các nước phát triển, họ tập trung vào thị trường chứng khoán, phát triển trái phiếu, cổ phiếu,…Tất cả giao dịch trên sàn chứng khoán là huy động nguồn tiền theo thị trường. Còn Việt Nam, ngân hàng cứ nhăm nhăm tiền của dân.
“Từ thực tế này, nảy sinh ra hàng loạt thao tác ngân hàng như: thẩm định, thế chấp, nhất là bất động sản, lúc lên lúc xuống, đầu tư lớn nhưng dòng tiền ứ đọng, phát sinh lãi lớn, dẫn đến nợ xấu, không có khả năng trả nợ,….Do đó, cần đổi mới mô hình quản lý hệ thống ngân hàng” – Thứ trưởng Lê Quý Vương nói.

Trả lời về việc thời gian qua một loạt lãnh đạo ngân hàng dính vào vòng lao lý, Bộ Công an có kiến nghị như thế nào để lập lại trật tự hệ thống ngân hàng? Thứ trưởng Lê Quý Vương cho biết: Vấn đề này Chính phủ đã họp nhiều lần, bàn rất kĩ, Bộ Chính trị cũng đã lắng nghe báo cáo,… Ngân hàng Nhà nước đang soạn đề án lớn tái cơ cấu Ngân hàng, tập trung vào các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước, sắp xếp các ngân hàng cổ phần nhỏ, cố gắng ổn định hệ thống tài chính, tiền tệ, theo hướng phát triển thị trường chứng khoán, các công ty mua bán tài chính. Bên cạnh đó, tìm ra giải pháp quản lý chặt chẽ hoạt động gửi tiền - cho vay.

Thứ trưởng Lê Quý Vương cũng cho hay, từ xưa đến nay, ta chưa áp dụng hình thức phá sản ngân hàng, nên cần thận trọng, có thể cần thiết vẫn phải cho phá sản. Hiện Chính phủ đang có vài phương án về thí điểm phá sản, nhưng sẽ chọn 1 phương án tối ưu nhất, đảm bảo ổn định hoạt động tài chính tiền tệ, bảo đảm quyền lợi người gửi tiền, hay nói cách khác là vai trò bảo lãnh với hệ thống ngân hàng.
 

Ngọc Đức

.