(BVPL) - Sáng 16/11, Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình đã trình bày trước Quốc hội Báo cáo tóm tắt việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến năm 2015.
|
Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình trình bày Báo cáo tóm tắt việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội |
Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình nhận định ngành Kiểm sát đã tích cực tham gia xây dựng và triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013; chủ trì soạn thảo Luật Tổ chức VKSND (sửa đổi), Bộ luật TTHS (sửa đổi) bảo đảm tiến độ và chất lượng theo yêu cầu của Quốc hội. Ngay sau khi Hiến pháp năm 2013 có hiệu lực, VKSND tối cao đã xây dựng chỉ thị, kế hoạch triển khai thi hành và khẩn trương tổ chức hội nghị trực tuyến quán triệt thực hiện đến từng cán bộ, Kiểm sát viên, chuyển tải đến toàn Ngành những nội dung tiến bộ của Hiến pháp 2013. Các dự án Luật Tổ chức VKSND (sửa đổi) và Bộ luật TTHS (sửa đổi) được thực hiện đúng tiến độ; thể chế hóa đầy đủ những quy định mới của Hiến pháp năm 2013; những quan điểm của Đảng về cải cách tư pháp; chọn lọc tiếp thu những thành tựu tư pháp tiến bộ của thế giới, cụ thể hóa nhiều nội dung của dự án luật, khắc phục cơ bản tình trạng luật ban hành phải chờ văn bản hướng dẫn dưới luật như hiện nay.
Viện trưởng nói thêm, tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII, dự thảo Luật tổ chức VKSND (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua với tỷ lệ tán thành cao và có hiệu lực kể từ ngày 01/6/2015 Đối với dự án Bộ luật TTHS (sửa đổi), đến nay dự thảo đã được chỉnh lý, hoàn thiện; dự thảo Bộ luật được các đại biểu Quốc hội và dư luận đánh giá cao về nội dung, tiến độ và chất lượng chuẩn bị, sẽ được trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp này.
“Ngành Kiểm sát cũng đã và đang tích cực tham gia xây dựng nhiều dự án luật quan trọng khác về cơ quan tư pháp và hoạt động tư pháp. Từ năm 2012 đến nay, VKSND tối cao đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành hữu quan xây dựng, ban hành 80 văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật, nhất là các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Tổ chức VKSND (sửa đổi), Bộ luật TTHS (sửa đổi)”. Viên trưởng nói.
Trong báo cáo trước Quốc hội, Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hoà Bình cũng cho biết thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, thời gian qua VKSNDTC đã yêu cầu khởi tố nhiều vụ án tham nhũng. Cơ quan điều tra hình sự VKSNDTC chú trọng phát hiện khởi tố, điều tra nhiều vụ việc tham nhũng trong hoạt động tư pháp như: vụ Ngô Văn Anh - Chánh Tòa kinh tế TAND TP Hải Phòng; vụ Nguyễn Duy Hiệp - Chánh án TAND huyện Thanh Liêm (Hà Nam); vụ án Phạm Văn Tuấn - Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự TP Hội An (Quảng Nam).
Bên cạnh đó, VKSNDTC đã chủ động phối hợp với các cơ quan tư pháp trung ương tiến hành kiểm tra, xác minh làm rõ một số vụ án có dấu hiệu oan hoặc sai nghiêm trọng; một số vụ án có dấu hiệu bức cung, dùng nhục hình và vụ án có đơn khiếu nại bức xúc, kéo dài, gây bức xúc trong dư luận.
“Qua đó kịp thời bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp. Điển hình như các vụ Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang), Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận), Nguyễn Văn Chưởng (Hải Phòng), Vũ Ngọc Dương (Hà Nội)” - ông Nguyễn Hòa Bình nói.
Viện trưởng cho biết thêm, thực hiện lời hứa trước Quốc hội, những năm qua VKSNDTC đã đồng bộ thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng giải quyết các vụ án hình sự, chống oan, sai và chống bỏ lọt tội phạm. VKS đã thành lập tổ chuyên viên liên ngành trực tiếp kiểm tra, xác minh và kịp thời ban hành kháng nghị đối với các vụ án có dấu hiệu oan, sai.
“VKSNDTC đã kiên quyết khởi tố, điều tra xử lý đối với cán bộ tư pháp có vi phạm nghiêm trọng dẫn đến làm oan người vô tội hoặc xâm phạm quyền con người. Điển hình như khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 1 điều tra viên, 1 kiểm sát viên liên quan đến kết án oan ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang); khởi tố vụ án, bị can đối với 2 điều tra viên, 1 kiểm sát viên liên quan đến vụ làm oan 7 người xảy ra tại tỉnh Sóc Trăng…” - ông Bình dẫn chứng.
Viện trưởng VKSNDTC khẳng định thời gian tới sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Qua đó kịp thời phát hiện những vi phạm pháp luật, thiếu sót trong điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án để kiến nghị, kháng nghị yêu cầu khắc phục, nhất là những vi phạm pháp luật dẫn đến oan sai.
Ngọc Đức - Văn Tình