(BVPL) - Quốc hội sẽ triển khai nhiều biện pháp kiên quyết để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trên cơ sở luật pháp quốc tế, buộc Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương-981 ra khỏi vùng biển Việt Nam. Bên lề kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII, các đại biểu Quốc hội đã bày tỏ quan điểm, phản đối mạnh mẽ việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 đồng thời đưa ra nhiều giải pháp để đấu tranh với “người láng giềng hiếp đáp”.  

 


Cùng với việc đấu tranh trên thực địa, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã hiện diện ở nhiều diễn đàn quốc tế, tuyên bố rất rõ ràng chúng ta luôn tranh thủ tối đa việc giải quyết bất đồng và tranh chấp một cách hòa bình. Ngay cả khi bảo vệ chủ quyền, chúng ta cũng làm bằng các biện pháp hòa bình, làm sao giữ vững và duy trì hòa bình. Nhưng khi chủ quyền của ta bị xâm phạm, tước đoạt, nước khác bất chấp, không tôn trọng chủ quyền của chúng ta, mà chủ quyền là thiêng liêng, thì khi đó ta rơi vào một tình thế bắt buộc phải tự vệ để bảo vệ chủ quyền của mình.

Việt Nam cần đưa vụ việc ra Toà án quốc tế

Việt Nam cần đưa ra Tòa án quốc tế để thế giới biết Việt Nam đang nghĩ gì, lập luận của Việt Nam như thế nào, chứ không thể để một mình Trung Quốc nói theo ý họ được, là nhận định của ông Jean-Vincent Brisset, cựu Tướng không quân của Pháp nay là Giám đốc nghiên cứu của Viện quan hệ quốc tế và chiến lược của Pháp (IRIS), tác giả của nhiều sách và nghiên cứu về Trung Quốc.

Theo ông Brisset nhận định: “Trung Quốc sẽ tìm cách phong tỏa vụ kiện. Nhưng hành động đó vẫn rất quan trọng, vì Việt Nam cần đưa ra Tòa án quốc tế để cho thế giới biết Việt Nam đang nghĩ gì, lập luận của Việt Nam như thế nào, chứ không thể để một mình Trung Quốc nói theo ý họ được. Đây là chiến lược truyền thông cực kỳ quan trọng mà Việt Nam cần phải ý thức được. Việc này trước hết để cho chính các nước ASEAN thấy rằng đang có cách tiếp cận như thế nào với các tranh chấp trên biển Đông để từ đó ASEAN phải thay đổi, tiếp đến là cho cộng đồng quốc tế thấy rõ đây là các tranh chấp”.

Ông Brisset cho rằng, ngoài con đường pháp lý, việc Việt Nam nên làm là tổ chức ngay một hội nghị gồm những nước ASEAN có liên quan đến tranh chấp biển Đông như Philippines, Malaysia, Brunei hay kể cả Indonesia để thống nhất với nhau cách thức phản ứng trước Trung Quốc. Các nước ASEAN cần hiểu rằng nếu bị tách riêng, không một nước nào trong khu vực đủ sức đương đầu lâu dài với Trung Quốc. Nếu họ nhận thức được tất cả đều sẽ thiệt hại thì sẽ phải cùng hành động và sẽ hành động ngày một cứng rắn hơn.

Ngoài ra, ông cho rằng Việt Nam cần thúc đẩy hơn nữa công tác tuyên truyền quốc tế, cho thế giới xem nhiều hơn những băng hình quay cảnh tàu Trung Quốc tấn công các tàu cảnh sát biển và ngư dân Việt Nam. Đây là thực tế không được phép trốn tránh và càng đối mặt sớm với nó thì sẽ càng có nhiều cơ hội tạo được một sự cân bằng tương đối hơn trong quan hệ với Trung Quốc, ông Brisset nhấn mạnh.

Cùng quan điểm, GS.TS Jonathan London - chuyên gia Việt Nam và phát triển học ở Đông Nam Á, trường Đại học Hongkong (Trung Quốc) cũng cho biết, cách tốt nhất mà Việt Nam có thể sử dụng khi đề cập đến căng thẳng tại biển Đông là tiếp tục cung cấp những bằng chứng cho thế giới thấy rõ thực trạng đang diễn ra trên biển là như thế nào, cũng như cho thế giới biết hành vi của phía Trung Quốc, đặc biệt là việc đưa tàu chiến đến khu vực này. Ông tin rằng, dư luận thế giới sẽ nhìn nhận vấn đề một cách rõ ràng hơn về những gì đang diễn ra tại biển Đông.
    

Thúc Hà (Tổng hợp)

.