Đã đến lúc không thể tiếp tục kêu gọi bảo vệ rừng theo kiểu “vận động phong trào”, lên án nạn phá rừng theo “đạo lý”. Cần phải xem lại nội dung quản lý nhà nước về bảo vệ rừng.
Thống kê riêng tháng 9.2010 có 1.553,68ha rừng bị phá và 5.364ha rừng bị cháy. Tỉnh Lâm Đồng mỗi năm có gần 1.000 vụ phá rừng. Riêng xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm trong hai ngày tháng 2.2011 có 16ha rừng bị phá.
Ông Đoàn Tất Chẩn - giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Tranh 2 - cho biết, 3.500 nhân khẩu từ lòng hồ thủy điện, tái định cư vào nơi không thích hợp, họ đã hỏi: “Không phá rừng thì chúng tôi lấy gì để sống?”. Đài Truyền hình VN có phóng sự quay cảnh phá rừng giữa ban ngày, ven theo tỉnh lộ từ Gia Súc về xuôi, phóng viên Nguyễn Trung đặt câu hỏi kiểm lâm và chính quyền địa phương đang ở đâu?
Cán bộ Vườn quốc gia Yok Đôn - ông Đoàn Văn Thiện - quả quyết có lâm tặc bên trong lực lượng kiểm lâm. Nhiều cán bộ tỉnh Phú Yên đặt câu hỏi vì sao chính quyền Phú Yên cấp phép lập xí nghiệp chế biến gỗ giữa vùng rừng đang bị phá? Những câu hỏi trên đây cho thấy, giờ đây kẻ phá rừng không chỉ là lâm tặc, hoặc lâm tặc không còn là một đối tượng xấu, nhưng không nhiều như ta hiểu.
Lâm tặc bao gồm những dân lành bị hành xử thiếu trách nhiệm, đưa đi tái định cư ở nơi không thể nào tìm ra sinh kế, đành phải nhắm mắt phá rừng, dù biết là sai. Nguy hiểm hơn đó là tình trạng cán bộ, đảng viên trong chính quyền, trong kiểm lâm câu kết, ăn chia với bọn phá rừng chuyên nghiệp. Họ chính là loại lâm tặc giấu mặt rất nguy hiểm. Khi bị thanh tra, kiểm tra thì họ biện minh rằng, do thiếu lực lượng, thiếu phương tiện, do lâm tặc nhiều quá, đông quá, cuối cùng thì xin tự phê bình là do năng lực còn hạn chế, hoặc chưa nhận thức trách nhiệm đầy đủ; xin được rút kinh nghiệm, sửa chữa.
Đã đến lúc không thể tiếp tục kêu gọi bảo vệ rừng theo kiểu “vận động phong trào”, lên án nạn phá rừng theo “đạo lý”. Cần phải xem lại nội dung quản lý nhà nước về bảo vệ rừng. Trước đây, việc quản lý rừng nặng về quy hoạch, hiệu quả kinh doanh, nay cần đề cao trách nhiệm bảo vệ rừng và đất rừng. Bộ NNPTNT là nơi chủ trì nghiên cứu, hội thảo tìm cho ra câu trả lời cho các vấn đề nêu trên.
Làm gì để thực hiện cho được Nghị quyết Đại hội 11: “Tỉ lệ che phủ rừng năm 2015 đạt 42 đến 43%”, trong khi chỉ còn 3 năm nữa?
Lãnh đạo chính quyền các cấp ở các tỉnh có rừng phải được giao trách nhiệm bảo vệ rừng và đất rừng với kỷ luật cao nhất. Các cấp uỷ cần đặt việc bảo vệ rừng và đất rừng là một nội dung lớn nhất trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết T.Ư 4, chỉnh đốn và xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Toàn dân cùng có trách nhiệm phát hiện, kiểm tra, tố cáo, đấu tranh ngăn chặn, quyết không để xảy ra cảnh đau lòng của một nước VN không có rừng.
Theo Lao động