Việt Nam mong muốn Tòa Trọng tài ra phán quyết công bằng và khách quan
Cập nhật lúc 15:32, Thứ sáu, 03/06/2016 (GMT+7)
Việt Nam cũng yêu cầu các bên liên quan tôn trọng nghĩa vụ pháp lý quốc tế được quy định trong Công ước LHQ về Luật Biển 1982. (phán quyết , Tòa Trọng tài , khách quan, Việt Nam )
Việt Nam cũng yêu cầu các bên liên quan tôn trọng nghĩa vụ pháp lý quốc tế được quy định trong Công ước LHQ về Luật Biển 1982.
Tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 2/6, trả lời câu hỏi của phóng viên về vụ Philippines kiện yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông trong bối cảnh Tòa Trọng tài thường trực Liên Hợp Quốc (PCA) sắp ra phán quyết, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết:
|
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình. |
Là quốc gia trực tiếp liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông, lập trường nhất quán của Việt Nam là ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.
"Chúng tôi mong muốn Tòa Trọng tài đưa ra phán quyết công bằng và khách quan, phù hợp luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 và yêu cầu các bên liên quan tôn trọng nghĩa vụ pháp lý quốc tế được quy định trong Công ước quan trọng này", ông Lê Hải Bình nhấn mạnh.
Cũng tại cuộc họp báo này, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng về việc trong tuyên bố chung của lãnh đạo các nước G7 cho rằng tranh chấp Biển Đông cần phải tuân thủ luật pháp quốc tế, giữ gìn hòa bình, đảm bảo an ninh cho tuyến hàng hải quốc tế quan trọng này, ông Lê Hải Bình cho biết.
Việt Nam hoan nghênh tuyên bố của Hội nghị thượng đỉnh các nước công nghiệp G7 về các cam kết đảm bảo an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không, an ninh biển và tôn trọng luật pháp quốc tế trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.
"Việt Nam đề nghị các bên tiếp tục có những đóng góp thiết thực vào việc duy trì hòa bình, ổn định và thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương", ông Lê Hải Bình nói./.
Theo VOV
.