(BVPL) - “Liên minh châu Âu (EU) luôn luôn coi trọng mối quan hệ hợp tác đặc biệt với Việt Nam. Việt Nam không chỉ là nền kinh tế đang nổi mà còn là thị trường tiềm năng đầy hứa hẹn”, EU tiếp tục cam kết mạnh mẽ trong việc song hành cùng Việt Nam trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội và cải cách thông qua việc cung cấp các gói viện trợ phát triển, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) José Barroso cho biết sau cuộc hội đàm với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại TP.Hà Nội.
|
Ấn Độ coi Việt Nam là trụ cột trong chính sách Hướng Đông của mình. |
Trong buổi gặp gỡ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đánh giá cao chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Barroso tới Việt Nam từ ngày 25 đến 26/8, trong bối cảnh hai bên đang tiến hành phê chuẩn Hiệp định khung Đối tác và Hợp tác toàn diện (PCA) và thúc đẩy sớm kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cảm ơn EC và các nước thành viên EU đã hỗ trợ quá trình phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế, duy trì viện trợ cho Việt Nam giai đoạn sau 2014 và đề xuất một số biện pháp tăng cường quan hệ kinh tế - thương mại Việt Nam - EU như: EU sớm phê chuẩn PCA, linh hoạt và tính đến chênh lệch trình độ phát triển của Việt Nam với các nước thành viên EU trong đàm phán EVFTA, công nhận Việt Nam có quy chế kinh tế thị trường đầy đủ khi ký kết EVFTA. Hai bên nhất trí tiếp tục phấn đấu để kết thúc đàm phán EVFTA trước tháng 10/2014.
Đáp lại thiện chí của VIệt Nam, Chủ tịch EC bày tỏ mong muốn tăng cường quan hệ EU - ASEAN, khẳng định ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc an ninh khu vực đang định hình. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, với tư cách là nước điều phối viên quan hệ ASEAN - EU, Việt Nam ủng hộ sự tham dự sâu rộng hơn của EU vào cơ chế khu vực và sẽ nỗ lực thúc đẩy hướng tới xây dựng quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN-EU.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Marroso nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở biển Đông. Ông Barroso cho biết, EU luôn quan sát diễn biến trên biển Đông một cách cẩn trọng. Chủ tịch EC nhắc lại quan điểm của EU không đứng về bên nào trong những tuyên bố chủ quyền, nhưng đặc biệt khuyến khích tất cả các bên tìm kiếm giải pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982. Chủ tịch Marroso khẳng định, EU “mong muốn và khuyến khích các bên kiềm chế, không tiến hành những hoạt động đơn phương có thể khiến tình hình căng thẳng, cũng như tạo ra những kết quả không mong muốn”.
Trong một diễn biến liên quan khác, sáng 25/8 tại Hà Nội, hội đàm với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Sushma Swaraj khẳng định, chính phủ mới của Ấn Độ tiếp tục coi Việt Nam là một trong những trụ cột của chính sách hướng đông của nước này. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định, Việt Nam ủng hộ chính sách hướng đông của Ấn Độ và việc nước này tăng cường kết nối với khu vực Đông Nam Á.
Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, ngân hàng, quốc phòng - an ninh, khoa học - công nghệ…; phấn đấu đưa kim ngạch thương mại lên 7 tỷ USD vào năm 2015 và 15 tỷ USD vào năm 2020 như thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước. Việt Nam hoan nghênh chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam sắp tới của Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee. Việt Nam và Ấn Độ nhất trí phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương, cam kết sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai nước tăng cường hợp tác kinh tế và đầu tư trên những lĩnh vực mà hai bên có thế mạnh. Việt Nam hoan nghênh các Công ty Ấn Độ sang hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực năng lượng, thăm dò, khai thác dầu khí, công nghiệp chế biến, xây dựng, dược phẩm…
Cùng ngày, trong cuộc tiếp xúc với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, bà Sushma Swaraj, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ đã chuyển lời của Thủ tướng Narendra Modi mời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm chính thức Cộng hòa Ấn Độ trong đầu tháng 10 tới để thảo luận về những phương hướng lớn trong quan hệ song phương. Bên cạnh đó bà cũng cho rằng tiềm năng giữa hai nước còn rất lớn, bà đề nghị hai bên nỗ lực để tăng cường hợp tác trên tất cả các lĩnh vực.
Ấn Độ đánh giá cao về vị thế an ninh - quốc phòng của Việt Nam và mong muốn Việt Nam trở thành đối tác của Ấn Độ trong lĩnh vực này. Về vấn đề biển Đông, bà Sushma Swaraj cho biết, Ấn Độ đã bày tỏ rõ ràng quan điểm phản đối việc sử dụng hoặc đe dọa sử dụng bạo lực trong các tranh chấp quốc tế, đồng thời lên tiếng mạnh mẽ ủng hộ việc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, theo luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp Quốc về Luật Biển 1982. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhất trí với các đề xuất của Bộ trưởng Sushma Swaraj, đồng thời khẳng định mong muốn của Việt Nam thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ Đối tác chiến lược với Ấn Độ trên tất cả các lĩnh vực.
Sơn Hải (tổng hợp)