(BVPL) - Trong chuyến thăm Việt Nam, Ấn Độ đã dành gói tín dụng 100 triệu USD cho Việt Nam để hiện đại hóa quốc phòng và thắt chặt mối quan hệ hợp tác năng lượng - động thái báo hiệu một chính sách ngoại giao tự tin trước chuyến thăm Ấn Độ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Hãng thông tấn Anh bình luận, hiệp định hợp tác dầu khí Việt - Ấn cho phép tập đoàn ONGC Ấn Độ thăm dò khai thác các giếng dầu do Việt Nam cung cấp ở Biển Đông là một lời nhắc nhở về các “xê dịch địa” chiến lược đang ngày một gia tăng ở châu Á.
 

Quan hệ giữa Việt Nam và Ấn Độ ngày càng bền chặt.
Quan hệ giữa Việt Nam và Ấn Độ ngày càng bền chặt.


Theo Reuters, Việt Nam đang phát triển lực lượng hải quân (do bị bành trướng Biển Đông, xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán hợp pháp) với tàu ngầm lớp Kilo của Nga. Việt Nam cũng muốn có thêm công nghệ tên lửa của Ấn Độ để tăng cường khả năng phòng thủ. Giáo sư Carl Thayer từ Học viện Quốc phòng Úc cho rằng, Việt Nam đang tìm kiếm các phiên bản tên lửa chống hạm của Ấn Độ. New Delhi thử nghiệm các tên lửa hành trình siêu thanh có thể được phóng thành công từ tàu, phù hợp với mục tiêu của Việt Nam tạo ra “ý nghĩa răn đe với Trung Quốc trên Biển Đông”. “Đây là một công nghệ tiên tiến hơn và hải quân Trung Quốc sẽ gặp khó khăn hơn khi hoạt động (bất hợp pháp) ngoài khơi bờ biển Việt Nam, đặc biệt là phía Nam của Biển Đông.    

Liên quan đến hiệp định hợp tác dầu khí Việt Nam - Ấn Độ, mới đây Tổng thống Mukherjee cho biết, sự hỗ trợ của Ấn Độ với Việt Nam không phải là một mối quan hệ lệch lạc mà bắt nguồn từ lịch sử hỗ trợ lẫn nhau. Tờ India Times cho biết, trong một thông điệp mạnh mẽ gửi tới Trung Quốc, Tổng thống Pranab Mukherjee đã nói rõ quan điểm rằng các hoạt động hợp tác thăm dò dầu khí giữa Ấn Độ với Việt Nam từ năm 1988 hoàn toàn thuần túy thương mại và không nên bị lôi kéo vào chuyện chính trị.

Ông Mukherjee cũng nhấn mạnh, chính sách đối ngoại của Ấn Độ là không bao giờ nhìn bất kỳ quốc gia nào qua lăng kính của một nước thứ 3, chuyến thăm chính thức Việt Nam của ông không có liên hệ nào đến chuyến công du New Delhi của người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình. Phản ứng của Tổng thống Ấn Độ được đưa ra 1 ngày sau khi Hồng Lỗi, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố, Bắc Kinh sẽ không ủng hộ hiệp định hợp tác dầu khí Việt-Ấn cho phép tập đoàn ONGC Ấn Độ thăm dò khai thác các giếng dầu do Việt Nam cung cấp “nếu nó nằm trong vùng biển Bắc Kinh xem là tranh chấp” ở Biển Đông…

Khi được hỏi về phản ứng này từ Bắc Kinh, Tổng thống Pnarab Mukherjee cho biết Ấn Độ không bình luận về vấn đề chủ quyền trên Biển Đông và New Delhi không muốn bị kéo vào các câu chuyện chính trị tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. “Chúng tôi luôn cho rằng những vấn đề này (căng thẳng Biển Đông) nên được giải quyết một cách hòa bình theo tiêu chí và thực tiễn luật pháp quốc tế. Mọi tranh chấp đang được giải quyết thông qua đối thoại trong một cơ chế hòa bình, có nghĩa là không sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực”, Tổng thống Ấn Độ nhấn mạnh. Trước đó, tuyên bố chung Việt Nam - Ấn Độ cũng bày tỏ lo ngại về những cản trở tự do hàng hải trên Biển Đông.
 

Sơn Hải (Tổng hợp)

.