Tại phiên thảo luận về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới của Quốc hội, nhiều đại biểu đã nêu lên những thiệt thòi của lao động nữ như vấn đề lương hưu, việc làm, các quyền lợi khác của lao động nữ…
Cụ thể, theo Đại biểu Trương Thị Bích Hạnh (Bình Dương), trong báo cáo của Chính phủ về công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về bình đẳng giới cho thấy, qua thanh tra ở 152 doanh nghiệp dệt may có 55 doanh nghiệp không thực hiện đúng các quy định của pháp luật liên quan đến lao động nữ, chiếm 36%. 12 địa phương được thanh tra thì có 6 địa phương có các doanh nghiệp vi phạm, chiếm 50%. Như vậy, có thể nói, việc vi phạm chính sách pháp luật đối với lao động nữ trong doanh nghiệp là khá phổ biến. Tuy nhiên, báo cáo chưa thể hiện kết quả xử lý các vi phạm pháp luật về bình đẳng giới trong thời gian vừa qua.
Cũng theo Đại biểu, tình trạng các doanh nghiệp vi phạm pháp luật lao động, trong đó có các quy định riêng đối với lao động nữ, trong thời gian vừa qua đã ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người lao động và sự nghiêm minh của pháp luật. Vì vậy, Đại biểu đề nghị Chính phủ cần có giải pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước nhằm chấn chỉnh tình hình này trên thực tế, không chỉ riêng đối với bình đằng giới mà cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Bên cạnh đó, trong điều kiện phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhiều dự báo cho thấy lao động nữ làm công việc giản đơn sẽ chịu nhiều tác động bất lợi, dễ bị mất việc làm do sự thay thế của công nghệ. Vì vậy, để đảm bảo bình đẳng thật sự trong lĩnh vực lao động việc làm, tôi đề nghị cần có giải pháp về đào tạo bồi dưỡng để nâng cao năng lực cho lao động nữ. Đây là một nội dung được quy định tại Điều 13 Luật Bình đẳng giới về bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động. Vì vậy, Đại biểu đề nghị cần cụ thể hóa nội dung này thông qua các chính sách cụ thể như chính sách khuyến khích về đào tạo nghề cho lao động nữ, nhất là những nghề cần chuyên môn tay nghề cao, các nghề thuộc ngành trọng điểm quốc gia, các ngành kỹ thuật mà nam giới tham gia chủ yếu trong thời gian vừa qua. Cần nghiên cứu về việc bổ sung quy định đào tạo nghề dự phòng cho lao động nữ như trước đây.
Còn theo Đại biểu Ngàn Phương Loan (Lạng Sơn), hiện nay nhiều phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ ở nông thôn, miền núi, vùng biên giới sang nước ngoài làm thuê bất hợp pháp và hệ lụy của vấn đề này là người phụ nữ phải sống tha phương, cảnh vợ xa chồng, mẹ một nơi, con một chốn. Nhiều phụ nữ có thể bị lừa đảo trở thành nạn nhân trong các vụ buôn bán người, bị cơ quan chức năng nước bạn bắt, giam giữ, phạt tiền và lao động công ích. Thậm chí, một số trường hợp còn bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng. Dù biết những nguy cơ tiềm ẩn rủi ro cao nhưng nhiều phụ nữ vẫn phải xuất cảnh trái phép và tình trạng này hàng năm giảm không đáng kể bởi những nguyên nhân khác nhau. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là do cuộc sống còn khó khăn, thu nhập thấp, công việc chưa ổn định.
Liên quan đến quy định mức lương hưu hàng tháng của người lao động tại Điều 56, Điều 74, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 và Điều 7 Nghị định 115/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc. Đại biểu cho rằng, quy định công thức tính lương hưu của nữ không có lộ trình thay dần trong vòng 5 năm như của nam giới dẫn đến số lao động nữ nghỉ hưu kể từ năm 2018 có tỷ lệ lương hưu thấp hơn hẳn so với nam giới và so với người cùng thời gian đóng bảo hiểm xã hội nghỉ hưu trong năm 2017, nhất là người có dưới 30 năm đóng bảo hiểm xã hội. “Theo tôi, cách tính này của lao động nữ chưa bình đẳng trong tổng thể nguyên tắc chung về thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới”- Đại biểu Loan bày tỏ.
Đại biểu Phan Văn Tường (Thái Nguyên) thì cho rằng, thực tế đời sống vật chất, tinh thần của giới nữ được nâng lên, các quan hệ kinh tế, xã hội bình đẳng hơn việc ứng xử trong mỗi gia đình, kể cả vùng sâu, vùng xa, xu hướng tôn trọng và nâng cao vị thế phụ nữ ngày càng tăng. Điều đó chứng minh việc tuyên truyền về bình đẳng giới đã bao quát hết các đối tượng vùng miền và những chương trình như dự án được triển khai có hiệu quả. Tuy nhiên, trong 7 mục tiêu với 22 tiêu chí cụ thể, còn nhiều vấn đề cần quan tâm hơn. Đến năm 2020 sẽ có vài chỉ tiêu không đạt, có chỉ tiêu đạt song không bền vững, có những chỉ tiêu phương pháp xác định không thống nhất và một số chỉ tiêu chưa có báo cáo của các đơn vị địa phương.
Thực tiễn còn nhiều vấn đề bất cập về giới như: trong gia đình trọng nam hơn nữ, biểu hiện ở quyền tài sản, quyền thừa kế, hiện tượng hôn nhân cưỡng bức đối tượng chủ yếu là phụ nữ, việc kết hôn trước tuổi, hiện tượng bóc lột, lao động tình dục, buôn bán người, giới nữ chiếm số nhiều, người không biết chữ, tái mù chữ, tỷ lệ nữ cũng cao hơn, tăng tuyển dụng lao động, nhiều nơi cũng khắt khe hơn với lao động nữ, trong sinh đẻ lựa chọn giới tính cũng vẫn còn, có gia đình ở khu vực nông thôn, phụ nữ chưa thực sự được tự do lựa chọn đời sống hôn nhân hoặc nghề nghiệp, tư tưởng tam tòng một số nơi vẫn làm chủ đạo để răn dạy giới nữ. Vấn đề trên quy mô không rộng, song tác động đến chất lượng các chỉ tiêu về giới đến việc hoàn thành các mục tiêu, dù là mục tiêu ấy so với khuyến cáo còn thấp.
Thanh Dịu