Mặc dù 59/59 Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) các tỉnh, thành phố đều đánh giá việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng vẫn còn 43/59 Đoàn ĐBQHH có nhận xét vẫn còn có hiện tượng một số bộ, ngành chưa thực sự nỗ lực, quyết tâm trong giải quyết một số vấn đề, cụ thể mà cử tri nêu.
Đối với một số kiến nghị rất cần các bộ, ngành nghiên cứu tìm các biện pháp tháo gỡ để giải quyết ngay các vướng mắc, hoặc xây dựng lộ trình để giải quyết dứt điểm vấn đề mà cử tri nêu thì chỉ được các bộ, ngành trả lời bằng việc cung cấp thông tin, chỉ dẫn một số văn bản hiện hành có liên quan đến vấn đề mà cử tri kiến nghị, hoặc trả lời “đang nghiên cứu,...”, “sẽ giải quyết,...” nên chưa đáp ứng đúng mong muốn của cử tri.
Đây là một hạn chế đã được UBTVQH nêu liên tục trong các báo cáo giám sát từ các kỳ họp Quốc hội khóa XIII đến nay, nhưng chưa được các bộ, ngành khắc phục triệt để. Nhiều văn bản trả lời cho cử tri còn rất chung chung, diễn giải nhiều, lòng vòng, khó hiểu, nhưng lại không đủ thông tin để giải đáp cho cử tri.
|
|
Bà Nguyễn Thanh Hải- Trưởng ban Dân nguyện thuộc UBTVQH |
Bà Nguyễn Thanh Hải- Trưởng ban Dân nguyện nêu dẫn chứng: Cử tri tỉnh Bắc Giang phản ánh “Hiện đang có vướng mắc giữa thẩm quyền của Thanh tra bộ và Thanh tra tỉnh, Thanh tra tỉnh và Thanh tra các sở, khi tiến hành thanh tra các doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn các tỉnh, thành phố”. Thì được Thanh tra Chính phủ trả lời: “Hiện nay, Luật Thanh tra đã quy định rõ về thẩm quyền thanh tra đối với doanh nghiệp nhà nước, song trên thực tế khi ra quyết định thanh tra, thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước, Chánh thanh tra các cấp, các ngành vẫn gặp phải khó khăn trong việc ra quyết định thanh tra đối với doanh nghiệp”, có thể nhận thấy nội dung trả lời của Thanh tra Chính phủ lại nhắc lại nội dung kiến nghị mà cử tri nêu và đặc biệt không đưa ra bất kỳ một giải pháp nào để tháo gỡ những vướng mắc từ thực tiễn mà cử tri nêu, trả lời như vậy là chưa trả lời gì cả vì không có một thông tin gì giải đáp hoặc giải quyết vấn đề mà cử tri phản ánh.
Hay việc cử tri Lạng Sơn phản ánh: Theo Nghị định 116/2010/NĐ-CP thì cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng các chế độ phụ cấp thu hút, trợ cấp lần đầu, trợ cấp chuyển vùng, …; Tuy nhiên, tại Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 28/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực III, II, I thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi thì có thôn không thuộc diện đặc biệt khó khăn (theo QĐ 582) nhưng lại nằm trên địa bàn xã đặc biệt khó khăn. Từ đó, dẫn đến vướng mắc để áp dụng chính sách ưu đãi nêu trên. Cử tri kiến nghị cần sớm có hướng giải quyết vấn đề này đảm bảo công bằng, đúng quy định.
Bộ Nội vụ trả lời: Theo đề nghị của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban dân tộc, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 582/QĐ-TTg. Cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang công tác tại các thôn đặc biệt khó khăn quy định tại Quyết định số 582/QĐ-TTg được áp dụng chính sách quy định tại Nghị định số 116/2010/NĐ-CP.
Báo cáo của Ban Dân nguyện nhận định: Trả lời của Bộ Nội vụ là lạc đề, không đúng với nội dung mà cử tri hỏi; không đưa ra thông tin hay giải pháp gì để tháo gỡ một khó khăn rất cụ thể đó là do có sự bất cập của 02 văn bản pháp luật (Nghị định 116/2010/NĐ-CP Quyết định số 582/QĐ-TTg) dẫn đến khó khăn trong mà việc xác định các đối tượng được hưởng phụ cấp ưu đãi và trợ cấp, nhưng trả lời của Bộ lại viện dẫn chính các văn bản này để thông tin cho cử tri. Theo phản ánh của Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng sơn thì ngay sau khi nhận được văn bản trả lời, cử tri bày tỏ chưa đồng tình với trả lời của Bộ Nội vụ, kiến nghị Bộ cần có xem xét, giải quyết, trả lời thấu đáo để cử tri yên tâm.
Một số kiến nghị đã được bộ, ngành trả lời nhưng chưa thỏa đáng, không rõ ràng, thậm chí không đúng với thực tế chẳng hạn như: Cử tri tỉnh Vĩnh Phúc phản ánh, kiến nghị với Bộ Giao thông vận tải (GTVT): do có sự không thống nhất giữa hai bên (Bộ GTVT và địa phương) về việc xác định trách nhiệm giải quyết hậu quả trong việc thi công đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai nên một bộ phận người dân đang phải chịu khó khăn về đường giao thông phục vụ sản xuất, có đất nông nghiệp mà chưa thể canh tác được do bị ngập úng,...
Trả lời của Bộ GTVT khẳng định: “đã chỉ đạo đơn vị quản lý, khai thác tiến hành ngay các biện pháp nạo vét, khơi thông cống thoát nước và mương thủy lợi để đảm bảo sản xuất và sinh hoạt cho người dân và đã bàn giao cho địa phương quản lý, sử dụng...”. Tuy nhiên, theo phản ánh của Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc: Thực tế Bộ chưa thực hiện việc nạo vét hệ thống thoát nước, mương thủy lợi, do vậy gây ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của người dân…
Xuân Hưng