Ủy ban Kiểm sát VKSNDTC góp ý kiến về dự án Bộ luật tố tụng dân sự và Luật tố tụng hành chính (sửa đổi)
Cập nhật lúc 16:38, Thứ tư, 04/03/2015 (GMT+7)
(BVPL) - Ngày 2/3/2015 tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm sát VKSNDTC đã tổ chức cuộc họp để đóng góp ý kiến đối với dự án Bộ luật tố tụng dân sự và Luật tố tụng hành chính (sửa đổi). Các đồng chí Phó Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Thị Thủy Khiêm và Lê Hữu Thể chủ trì cuộc họp. Cùng tham dự cuộc họp có các đồng chí Ủy viên Ủy ban Kiểm sát VKSNDTC và đại diện lãnh đạo một số đơn vị có liên quan thuộc VKSNDTC.
|
Các đồng chí Phó Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Thị Thủy Khiêm và Lê Hữu Thể chủ trì cuộc họp. |
Tại cuộc họp, Viện khoa học kiểm sát đã trình bày tổng hợp ý kiến của các đơn vị liên quan thuộc VKSNDTC góp ý đối với dự án Bộ luật tố tụng dân sự và Luật tố tụng hành chính (sửa đổi) và Báo cáo xin ý kiến Ủy ban Kiểm sát VKSNDTC về một số vấn đề lớn của 2 dự án luật trên. Cũng tại cuộc họp, các đồng chí Phó Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Thị Thủy Khiêm, Lê Hữu Thể và các thành viên Ủy ban Kiểm sát VKSNDTC đã thảo luận, cho ý kiến về địa vị pháp lý của VKSND trong tố tụng dân sự và tố tụng hành chính như: về tư cách cơ quan tiến hành tố tụng của VKSND, tư cách người tiến hành tố tụng của Viện trưởng VKSND, Kiểm sát viên; về việc tham gia phiên tòa, phiên họp của VKSND trong tố tụng dân sự; về phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa sơ thẩm; về nhiệm vụ, quyền hạn của Viện trưởng VKSND, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên.
Liên quan đến vấn đề về tư cách cơ quan tiến hành tố tụng của VKSND, tư cách người tiến hành tố tụng của Viện trưởng VKSND, Kiểm sát viên, ý kiến của Viện khoa học kiểm sát và các đơn vị liên quan thuộc VKSNDTC cho rằng, căn cứ quy định về chức năng, nhiệm vụ của VKSND trong Hiến pháp năm 2013 và Luật tổ chức VKSND năm 2014 thì trong tố tụng dân sự và tố tụng hành chính, VKSND có vai trò là cơ quan kiểm sát việc tuân theo pháp luật, cụ thể là kiểm sát tính hợp pháp của các hành vi, quyết định của các chủ thể tham gia vào quan hệ tố tụng dân sự, tố tụng hành chính. Chính vai trò này quyết định vị trí của VKSND là cơ quan tiến hành tố tụng, Viện trưởng, Kiểm sát viên của VKSND là người tiến hành tố tụng. Mối quan hệ giữa vai trò cơ quan kiểm sát với vị trí cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng là mối quan hệ lôgic biện chứng, có cái này tất yếu dẫn đến cái kia.
Cũng tại cuộc họp, các đồng chí thành viên Ủy ban Kiểm sát VKSNDTC đã góp ý kiến đối với các vấn đề khác trong dự thảo Tờ trình Bộ luật tố tụng dân sự và dự thảo Tờ trình Luật tố tụng hành chính như: về việc mở rộng thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân đối với các khiếu kiện hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức; về việc giao cho Tòa án nhân dân cấp tỉnh thẩm quyền xét xử sơ thẩm các khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện; về một số nội dung bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng dân sự; về việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không gắn với việc khởi kiện trong tố tụng dân sự; về thủ tục rút gọn, thủ tục giám đốc thẩm, thủ tục phúc thẩm lần 2 trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính.
Ý kiến góp ý của Ủy ban Kiểm sát VKSNDTC đối với dự án Bộ luật tố tụng dân sự và Luật tố tụng hành chính (sửa đổi) sẽ được tổng hợp gửi cơ quan chủ trì soạn thảo để tiếp thu, tổng hợp trước khi trình cơ quan thẩm tra cho ý kiến.
Văn Tình
.