Trong khuôn khổ chuỗi Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN (AEM) hẹp lần thứ 26 tại thành phố Đà Nẵng diễn ra vào chiều ngày 11/3, các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN đã ra Tuyên bố chung về tăng cường khả năng phục hồi kinh tế của ASEAN để đối phó với Covid-19.

Theo đó, các Bộ trưởng thể hiện quan ngại sâu sắc về sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19, đang gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân cũng như các nền kinh tế trên thế giới.

Tuyên bố chung truyền tải sự đồng cảm đến tất cả các nước ASEAN cũng như ngoài ASEAN đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh này. Đồng thời nhắc lại Tuyên bố của nước Chủ tịch về một ASEAN Chủ động thích ứng với sự bùng phát của dịch Covid-2019, trong đó nhấn mạnh “tầm quan trọng của sự đoàn kết trong ASEAN và tinh thần gắn kết và chủ động thích ứng của Cộng đồng ASEAN trong việc đối mặt với sự bùng nổ của Covid-19 và những thách thức tương tự”.

Các Bộ trưởng cũng nhận thấy các tác động bất lợi của sự bùng phát dịch Covid-19 đối với nền kinh tế, bao gồm đối với các ngành du lịch, sản xuất, bán lẻ và các dịch vụ khác… cũng như là sự gián đoạn của chuỗi cung ứng và thị trường tài chính, nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết đối với các nỗ lực phối hợp để tránh các tác động bất lợi cho nền kinh tế toàn cầu do sự bùng phát của Covid-19.

Với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, vai trò chủ động thích ứng của Cộng đồng Kinh tế ASEAN được Việt Nam thể hiện thông qua đề xuất đưa ra một Tuyên bố chung cấp Bộ trưởng nhằm duy trì chuỗi cung ứng và khả năng phục hồi kinh tế của ASEAN, tạo điều kiện hỗ trợ nguồn cung nguyên vật liệu cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng không chỉ đến sức khoẻ người dân mà còn nền kinh tế khu vực.

leftcenterrightdel
 Các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN thể hiện quan ngại sâu sắc về sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19.
Các Bộ trưởng thể hiện sự đồng ý rằng các biện pháp hạn chế di chuyển qua biên giới phải dựa trên các cân nhắc về sức khoẻ cộng đồng và không nên hạn chế thương mại trong khu vực một cách không cần thiết.

Tuyên bố chung cũng đồng ý thực hiện các hành động chọn lọc để giảm thiểu tác động kinh tế của dịch Covid-19 nhằm: cam kết tiếp tục duy trì mở cửa thương mại và đầu tư trong ASEAN, tăng cường chia sẻ thông tin trong khu vực và phối hợp để đối phó với các thách thức kinh tế do sự bùng phát của Covid-19, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị doanh nghiệp, hiệp hội để củng cố hình ảnh Đông Nam Á là trung tâm thương mại đầu tư và du lịch của khu vực, tận dụng công nghệ và thương mại số để hỗ trợ và cho phép các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) tiếp tục hoạt động; tăng cường khả năng phục hồi và tính bền vững của chuỗi cung ứng, thông qua sự minh bạch, kịp thời và đặc biệt là nỗ lực chung để đẩy nhanh việc thực hiện Kế hoạch Tổng thể Kết nối ASEAN (MPAC) 2025.

Tuyên bố chung trên cũng đã khép lại chuỗi Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN (AEM) hẹp lần thứ 26. Theo kế hoạch dự kiến, Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 và các hội nghị liên quan sẽ được tổ chức tại thành phố Đà Nẵng từ ngày 6 đến ngày 9/4.

Trong cùng ngày cũng đã diễn Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế các nước ASEAN tham gia Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)

Hội nghị diễn ra với kỳ vọng sẽ “tìm được điểm cân bằng” giữa các thành viên RCEP, cụ thể là giữa Ấn Độ và 15 thành viên còn lại để RCEP có thể ký kết vào tháng 10-2020 với đủ 16 thành viên.

Lê Tâm