Theo chương trình nghị sự, tuần này Quốc hội sẽ bắt đầu phần công tác nhân sự, bắt đầu từ sáng thứ Tư, 30/3 với việc miễn nhiệm người đứng đầu Quốc hội. Người được Trung ương Đảng giới thiệu ứng cử chức vụ Chủ tịch Quốc hội lần này là bà Nguyễn Thị Kim Ngân.

 


Bắt đầu từ sáng 30/3, Quốc hội nghe tờ trình của UB thường vụ Quốc hội về việc miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội – Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia.

Trong quy trình miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội đương nhiệm Nguyễn Sinh Hùng được bố trí thời lượng để phát biểu ý kiến (nếu có) trước khi Quốc hội bỏ phiếu miễn nhiệm.

UB Thường vụ Quốc hội cũng là cơ quan trình dự kiến nhân sự để Quốc hội bầu Chủ tịch Quốc hội – Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia mới. Theo phương án Ban chấp hành Trung ương Đảng đã thống nhất giới thiệu thì Phó Chủ tịch Quốc hội – bà Nguyễn Thị Kim Ngân chính là ứng viên duy nhất cho vị trí người đứng đầu cơ quan quyền lực cao nhất của nhà nước, thay cho Chủ tịch đương nhiệm Nguyễn Sinh Hùng.

Một ngày sau quy trình bỏ phiếu kín, sáng thứ Năm, 31/3, sau khi có kết quả kiểm phiếu, Quốc hội thông qua Nghị quyết bầu chức danh này, tân Chủ tịch Quốc hội sẽ tuyên thệ trước Quốc hội.

Như vậy, nếu đắc cử, bà Nguyễn Thị Kim Ngân sẽ trở thành nữ Chủ tịch đầu tiên trong lịch sử Quốc hội Việt Nam, cũng là lãnh đạo nữ đầu tiên trong những chức danh chủ chốt, đứng đầu Đảng, Nhà nước.

Tương tự quy trình này, UB Thường vụ Quốc hội cũng là cơ quan trình Quốc hội miễn nhiệm Chủ tịch nước và trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu người đứng đầu nhà nước – nguyên thủ quốc gia mới.

Nhân sự được Bộ Chính trị, Trung ương Đảng khoá XII thống nhất giới thiệu ứng cử chức danh Chủ tịch nước tại hội nghị lần thứ 2 vừa qua là Đại tướng – Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang.

Dự kiến ngày thứ Bảy, 2/4, tân Chủ tịch nước sẽ tuyên thệ nhậm chức trước Quốc hội.

Trước khi bước vào phần nội dung công tác nhân sự, 2 ngày đầu tuần, Quốc hội dành thời gian thảo luận tại hội trường, xem xét, đánh giá báo cáo công tác của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII (2011-2016); báo cáo công tác của Tổng Kiểm toán Nhà nước ; các báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chủ tịch nước và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao.

Quốc hội cũng dành thời gian thảo luận về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2015; kết quả thực hiện 5 năm 2011-2015 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020; kế hoạch sử dụng đất 5 năm giai đoạn 2016-2020.
 

Theo Dân trí

.