Hôm nay, kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII bắt đầu chương trình nghị sự kéo dài 1 tháng với nhiều nội dung “nóng”. Ngay trong tuần đầu tiên, Quốc hội có buổi miễn nhiệm Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ, Tổng Kiểm toán Đinh Tiến Dũng và bầu nhân sự thay thế.
Sau lễ viếng lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đại biểu Quốc hội họp phiên trù bị biểu quyết thông qua chương trình kỳ họp vào sáng nay. Ngay trong tuần làm việc đầu tiên, vào thứ 4 (23/5) tới, Quốc hội có phiên họp xem xét công tác nhân sự.
Như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thông báo trong phiên họp của UB Thường vụ Quốc hội để chuẩn bị nội dung cho kỳ họp thứ 5, lần này, Quốc hội xem xét nhiễm nhiệm chức vụ Bộ trưởng Tài chính đối với ông Vương Đình Huệ và chức vụ Tổng kiểm toán nhà nước đối với ông Đinh Tiến Dũng để đảm nhận vị trí công tác mới. Ông Huệ đã được TƯ giao nhiệm vụ Trưởng ban Kinh tế TƯ còn vị trí công tác mới của ông Dũng sẽ được quyết định trong phiên họp về nhân sự tuần này.
Đồng thời với việc miễn nhiệm ông Huệ, ông Dũng, Quốc hội xem xét phê duyệt nhân sự mới thay thế vị trí Bộ trưởng Tài chính do Thủ tướng giới thiệu và tiến hành bầu Tổng Kiểm toán mới từ danh sách ứng viên do UB Thường vụ Quốc hội giới thiệu.
Vì nội dung xem xét, quyết định các thay đổi về nhân sự diễn ra trước phiên lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ này (dự kiến diễn ra vào ngày 10/6), 2 vị trí Bộ trưởng Tài chính và Tổng kiểm toán nhà nước sẽ không được tổ chức lấy phiếu. Sẽ chỉ còn 47/49 chức danh được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn được đưa ra lấy phiếu tín nhiệm lần đầu.
Các chức danh này bao gồm Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội và các thành viên khác của Ủy ban thường vụ Quốc hội; Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ và các thành viên khác của Chính phủ; Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước; Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao.
Kết quả lấy phiếu được công bố vào cuối ngày 10/6.
Ngoài các nội dung này, các hoạt động xây dựng pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng và giám sát tối cao của Quốc hội kỳ này cũng được đánh giá rất “căng” với nhiều việc đang ở thế nước sôi lửa bỏng hiện nay.
Sáng nay, ngay sau phần khai mạc, Quốc hội nghe Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Chính phủ báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2012; việc triển khai thực hiện kế hoạch những tháng đầu năm 2013.
Bản báo cáo nêu ra thực tế ít lạc quan hơn nhiều so với dự kiến đầu năm về tình hình phát triển kinh tế, hiệu quả các chính sách điều hành để giải quyết nợ xấu, hàng tồn kho, giải cứu bất động sản, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đã áp dụng thời gian qua. 2 chỉ số kinh tế cơ bản – lạm phát khống chế “vượt mức mong đợi” và tăng trưởng thấp hơn nhiều so với yêu cầu được giao đang gây tranh luận về việc duy trì mức độ họp lý của CPI và GDP. Nhiều ý kiến lo ngại, CPI thấp chưa hẳn do kiềm chế mà do thiếu tiền. Trong khi đó, tiền vẫn không đến được với sản xuất không phải vì khó tiếp cận vốn mà vì doanh nghiệp khó hấp thụ được khi gần 70% đã thua lỗ…
Cơ quan thẩm tra, các ý kiến cảnh báo đều đã phải dùng những từ như “tình hình xấu lắm”, “nguy cơ rất lớn”…
Quốc hội ngay trước kỳ họp cũng nhận nhiều “đốc thúc”, mong mỏi về việc sớm giám sát dự án khai thác bô xít ở Tây Nguyên khi nguy cơ thua lỗ, kém hiệu quả của chương trình có dấu hiệu bộc lộ, ngay cả chủ đầu tư dự án (tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam – TKV) cũng đang “ngồi trên đống lửa”. Rồi thực trạng đầu tư thủy điện, những diễn biến phức tạp trên biển Đông… Những nội dung này UB Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ báo cáo bổ sung chỉ vài ngày trước khi bắt đầu kỳ họp để gửi các đại biểu nghiên cứu.
Về công tác xây dựng pháp luật, kỳ họp này Quốc hội dự kiến thông qua 10 luật, cho ý kiến với dự thảo sửa dổi Hiến pháp 1992 và 7 luật khác.
Luật Đất đai sửa đổi đến nay vẫn đang được tranh luận nhiều với quy định về vấn đề thu hồi đất. Dự thảo mới nhất thể hiện, nhà nước quyết định thu hồi đất để sử dụng vào mục đích an ninh quốc phòng, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng; thu hồi đất do vi phạm pháp luật đất đai và thu hồi do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật hoặc tự nguyện.
Dự thảo Hiến pháp sửa đổi chỉnh lý nhiều nội dung sau khi tiếp thu hơn 26 triệu lượt ý kiến góp ý, đưa ra nhiều phương án thiết kế đối với nhiều vấn đề còn ý kiến khác nhau. Trong đó, bản dự thảo mới nhất trình 2 phương án về tên nước – giữ nguyên tên nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và lấy lại tên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa để Quốc hội xem xét, thảo luận.
Dự kiến, kỳ họp diễn ra trong 33 ngày với 26,5 ngày làm việc chính thức.
Theo Dân trí