Từ nhiệm kỳ tới, Chủ tịch nước, Thủ tướng buộc phải tuyên thệ nhậm chức
Cập nhật lúc 23:52, Thứ sáu, 18/12/2015 (GMT+7)
Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội được Chủ tịch nước ký lệnh công bố, được Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức công bố sáng nay (18/12) nhận nhiều chú ý về quy định 4 chức danh đại diện cho các cơ quan quyền lực nhà nước buộc phải thực hiện việc tuyên thệ nhậm chức trước Quốc hội… (tuyên thệ , Thủ tướng , nhậm chức, Chủ tịch nước)
Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội được Chủ tịch nước ký lệnh công bố, được Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức công bố sáng nay (18/12) nhận nhiều chú ý về quy định 4 chức danh đại diện cho các cơ quan quyền lực nhà nước buộc phải thực hiện việc tuyên thệ nhậm chức trước Quốc hội…
Về việc xem xét, quyết định nhân sự và cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước, Nội quy bổ sung quy định về trình tự, thủ tục Quốc hội bầu Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia, Tổng kiểm toán nhà nước, Tổng thư ký Quốc hội; phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm Thẩm phán TAND tối cao; phê chuẩn danh sách Phó Chủ tịch và uỷ viên Hội đồng bầu cử Quốc gia.
Nghị quyết cũng bổ sung quy định về trình tự, thủ tục Quốc hội quyết định cơ cấu tổ chức của Chính phủ và cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ tại kỳ họp thứ nhất của mỗi khoá Quốc hội.
Thủ tục khác được quy định tại Nghị quyết là sửa đổi trình tự, thủ tục Quốc hội thành lập, bãi bỏ cơ quan; thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới hành chính.
Ngoài ra, Nội quy kỳ họp lần này cũng bổ sung quy định về thủ tục tuyên thệ ngay sau khi được bầu đối với Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án TAND tối cao.
Đây là 4 chức danh đại diện cho những cơ quan đứng đầu nhà nước, là Nguyên thủ quốc gia và người đại diện cho nhóm cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp.
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hữu Toàn cho biết, đây là một nội dung mới thể hiện theo quy định trong Hiến pháp và luật Tổ chức Quốc hội.
Theo thông lệ trước nay, tại kỳ họp đầu tiên của mỗi nhiệm kỳ, sau khi Quốc hội bầu, phê chuẩn để kiện toàn bộ máy nhà nước thì Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng cũng có thời gian ra mắt Quốc hội và phát biểu. Tuy nhiên, chưa có quy định bắt buộc về việc này cũng như chưa có định hướng cụ thể về nội dung phát biểu, thời lượng khống chế… cho hoạt động này.
Nay, theo Nghị quyết của Quốc hội, việc phát biểu sau khi nhậm chức được quy định cụ thể là “tuyên thệ nhậm chức”, bắt buộc thực hiện thủ tục này đối với 4 chức danh như đề cập ở trên đồng thời ấn định thời lượng 3 phút cho mỗi chức danh để thực hiện việc tuyên thệ này trước Quốc hội.
Người dân có thể dự các phiên họp công khai của Quốc hội
Ngoài ra, so với Nội quy năm 2002, nội quy mới cung bổ sung quy định về nhiều nội dung được đề cập, quan tâm thời gian qua như về trách nhiệm của đại biểu Quốc hội. Nội quy kế thừa quy định hiện hành đồng thời bổ sung một số quy định về trách nhiệm của đại biểu Quốc hội khi vắng mặt tại kỳ họp, tại các phiên họp, khi trả lời phỏng vấn, cung cấp thông tin về kỳ họp, bảo quản và sử dụng tài liệu kỳ họp để bảo đảm thực hiện tốt hơn trách nhiệm của đại biểu tại kỳ họp.
Nội quy sửa đổi quy định hiện hành về người được mời, người dự thính kỳ họp Quốc hội, quy định về việc công dân có thể tham dự các phiên họp công khai của Quốc hội, do Tổng thư ký Quốc hội tổ chức để bảo đảm quyền tham dự của công dân cũng như giữ trật tự của kỳ họp.
Về việc quyết định các vấn đề quan trọng, Nội quy sửa đổi bổ sung quy định về trình tự, thủ tục Quốc hội thông qua nghị quyết về các vấn đề quan trọng chưa được quy định trong các luật, nghị quyết khác bao gồm các Nghị quyết về: kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm, hàng năm; kế hoạch tài chính 5 năm và dự toán ngân sách nhà nước, phân bổ ngân sách trung ương, quyết toán ngân sách nhà nước hàng năm; kế hoạch đầu tư công trung hạn, hàng năm; quy hoạch kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia; chương trình mục tiêu quốc gia; dự án quan trọng quốc gia; quyết định đại xá, vấn đề chiến tranh và hoà bình, ngày bầu cử toàn quốc và bầu cử bổ sung đại biểu Quốc hội giữa nhiệm kỳ…
Theo Dân trí
.