Phát biểu khai mạc hội nghị Trung ương 7 (khoá XI) sáng nay tại Hà Nội, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị các ủy viên Trung ương cho ý kiến về nguyên tắc, tiêu chí, phương pháp lựa chọn nhân sự đưa vào quy hoạch, sau đó giao cho Bộ Chính trị căn cứ ý kiến của Trung ương cân nhắc, quyết định chính thức.

 
Tổng bí thư đã nêu một số ý kiến có tính chất gợi mở, nêu vấn đề để Trung ương thảo luận, xem xét, quyết định.
 
Thứ nhất, về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, Tổng bí thư nhấn mạnh, các ủy viên Trung ương cần tập trung thảo luận, đánh giá toàn diện các vấn đề liên quan đến việc quán triệt và tổ chức thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương, chỉ ra mặt được và mặt chưa được, phân tích nguyên nhân, đề xuất các quan điểm, chủ trương và biện pháp khắc phục những hạn chế, yếu kém.
 
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: TTXVN
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: TTXVN
 
Chú ý làm rõ, vì sao ở một số nơi vai trò lãnh đạo của cấp ủy và tổ chức đảng chưa được phát huy đầy đủ; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước chậm được nâng cao; việc đổi mới tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội chưa mạnh, tình trạng "hành chính hoá" chậm được khắc phục? Vì sao cải cách hành chính chưa đạt được kết quả mong muốn; bộ máy tổ chức và tổng biên chế vẫn tiếp tục phình to, nhất là ở cấp tổng cục, các đơn vị trực thuộc bộ và chính quyền cơ sở...
 
Thứ hai, về đổi mới, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.
 
Về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, ông Nguyễn Phú Trọng đề nghị các ủy viên Trung ương bám sát Cương lĩnh của Đảng, các nghị quyết, kết luận của hội nghị Trung ương 2 và Trung ương 5 về sửa đổi Hiến pháp năm 1992, nghiên cứu thật kỹ, thảo luận thật sâu các nội dung báo cáo giải trình, tiếp thu vào bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp mà Ủy ban sửa đổi Hiến pháp trình, đóng góp nhiều ý kiến có chất lượng.
 
Tinh thần chung là phải chân thành lắng nghe ý kiến của nhân dân, tiếp thu tối đa những ý kiến hợp lý; kiên trì những vấn đề có tính nguyên tắc, thuộc về bản chất của chế độ chính trị và Nhà nước ta, tiếp tục khẳng định Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nòng cốt là liên minh giai cấp công-nông và đội ngũ trí thức; quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN…
 
Các đại biểu dự khai mạc hội nghị. Ảnh: TTXVN
Các đại biểu dự khai mạc hội nghị. Ảnh: TTXVN
 
Đồng thời, tiếp tục kế thừa những quy định của Hiến pháp năm 1992 và các bản Hiến pháp trước đây còn phù hợp; chỉ sửa đổi, bổ sung những vấn đề thực sự cần thiết, đã rõ, được thực tiễn kiểm nghiệm và có sự thống nhất cao. Đối với những vấn đề mới hoặc còn nhiều ý kiến khác nhau, Trung ương cần xem xét, trao đổi thật kỹ để có phương án tiếp thu, giải trình phù hợp.
 
Liên quan đến nội dung sơ kết 1 năm thực hiện nghị quyết TƯ4 về xây dựng Đảng, Tổng bí thư nói, cần sơ kết để kịp thời rút kinh nghiệm và có những nhận định, đánh giá thống nhất, tạo sự đồng thuận cao, làm cơ sở cho việc tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt hơn nữa nghị quyết này.
 
Về xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược, thời gian qua, Bộ Chính trị đã sớm chỉ đạo triển khai việc xây dựng Đề án quy hoạch cán bộ cấp chiến lược.
 
Sau khi được hội nghị Trung ương 6 thông qua Đề án, Bộ Chính trị đã khẩn trương chuẩn bị để trình hội nghị Trung ương lần này cho ý kiến về dự kiến quy hoạch Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ 2016-2021 và các nhiệm kỳ tiếp theo.
 
Các ủy viên Trung ương đã tích cực tham gia phát hiện, giới thiệu nguồn quy hoạch. Tổng hợp kết quả phát hiện, giới thiệu, bước đầu cho thấy nguồn cán bộ khá dồi dào về số lượng, có đủ 3 độ tuổi cho các chức danh, trong đó có khá nhiều cán bộ trẻ, cán bộ nữ. Bộ Chính trị đã xem xét, thảo luận và có ý kiến sơ bộ về chức danh nhân sự dự kiến đưa vào Quy hoạch nhiệm kỳ 2016-2021 và các nhiệm kỳ tiếp theo.
 
Tại hội nghị này, Bộ Chính trị đề nghị Ban chấp hành Trung ương cho ý kiến về nguyên tắc, tiêu chí, phương pháp lựa chọn nhân sự đưa vào quy hoạch; về số lượng cho mỗi chức danh; về cơ cấu độ tuổi, giới tính, thành phần xuất thân và phương án nhân sự cụ thể đưa vào quy hoạch, sau đó giao cho Bộ Chính trị căn cứ ý kiến của Trung ương cân nhắc, quyết định chính thức.
 
Hội nghị sẽ diễn ra đến ngày 11/5.
 
Trung ương xem xét quy hoạch cán bộ chiến lược
 
Sáng nay (2/5), hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XI đã khai mạc tại Hà Nội. Trong 9 ngày, các ủy viên TƯ sẽ xem xét nhiều vấn đề lớn, trong đó có dự thảo sửa Hiến pháp, quy hoạch cán bộ cấp chiến lược.
 
Ảnh: Cổng TTĐT Chính phủ
Ảnh: Cổng TTĐT Chính phủ
 
Tại hội nghị lần này, Ban chấp hành Trung ương sẽ xem xét, quyết định, cho ý kiến chỉ đạo đối với các vấn đề lớn, bao gồm:
 
Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở; đổi mới, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận; dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; sơ kết 1 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng; quy hoạch cán bộ cấp chiến lược; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, đẩy mạnh công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường và một số vấn đề quan trọng khác.
 
Theo chương trình dự kiến, hội nghị diễn ra từ ngày 2-11/5.
 
Theo Cổng TTĐT Chính phủ

 

Theo Cổng TTĐT Chính phủ
.