(BVPL) - “Chúng tôi cảnh báo các vị về hành động khiêu khích, xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, đi ngược lại luật pháp và những tuyên bố chung đã ký kết, đi ngược lại những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển” - tiếng loa của lực lượng chấp pháp Việt Nam vang lên thể hiện tinh thần đấu tranh kiên quyết nhưng cũng rất thiện chí của người dân nước Việt. Tuy nhiên, hơn một tháng kể từ khi Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 đến nay, bất chấp tất cả, Trung Quốc vẫn ì ra đó. Thậm chí, các tàu nước này đã đâm va, gây hư hỏng 24 tàu chấp pháp của Việt Nam.

 


Có thể nói, ngay sau khi Cảnh sát biển và Kiểm ngư Việt Nam mang tới buổi họp báo quốc tế lần thứ 4 về tình hình Biển Đông những thước phim ghi được về sự ngang ngược, vô nhân đạo của tàu thuyền Trung Quốc ở khu vực giàn khoan Hải Dương 981 đã gây phẫn uất tới tất cả những người có mặt trong buổi họp báo và với bất cứ ai nếu được xem những hình ảnh đó.  

Tại cuộc họp báo, liên quan tới diễn tiến mới của vụ việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trên vùng biển Việt Nam, ông Trần Duy Hải - Phó Chủ nhiệm Ủy ban (UB) Biên giới Quốc gia cho rằng, về thực chất, công hàm của Trung Quốc lưu hành ở Liên hợp quốc là xuyên tạc sự thật, ngang nhiên bóp méo sự thật. Hình ảnh thể hiện đều là Trung Quốc ngang ngược đâm tàu Việt Nam chứ phía Trung Quốc không đưa ra được hình ảnh nào chứng minh việc ngược lại. Các hình ảnh tàu Trung Quốc hung hăng cũng được đăng tải trên chính các phương tiện truyền thông, mạng truyền thông Trung Quốc.

Trước câu hỏi việc Trung Quốc truy đuổi tàu các lực lượng chấp pháp cho thấy Cảnh sát biển, Kiểm ngư Việt Nam yếu thế trên biển và đề nghị bình luận về quan điểm này. Ông Ngô Ngọc Thu – đại diện Cảnh sát Biển Việt Nam cho biết, về sự so sánh, ngay sau khi giàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm vùng biển Việt Nam, các lực lượng chấp pháp đã kịp thời có mặt để ngăn chặn và thực thi pháp luật trên khu vực, bảo vệ tàu ngư dân Việt Nam. Dù các tàu Trung Quốc sử dụng phương tiện tấn công tàu Việt Nam, làm kiểm ngư viên Việt Nam bị thương nhưng Việt Nam vẫn kiềm chế vì muốn giải quyết vấn đề bằng phương pháp hòa bình. Sự kiềm chế đó là thực hiện chủ trương và mục đích vì hoà bình của Việt Nam.

Trước câu hỏi thể hiện việc lo ngại về quan điểm trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc, ông Trần Duy Hải - Phó Chủ nhiệm UB Biên giới quốc gia nói, trước hết cần khẳng định việc làm của Trung Quốc trên biển thời gian qua với các nước láng giềng sẽ làm xấu đi hình ảnh của Trung Quốc trên trường quốc tế. Chính sách ngoại giao hòa bình như Trung Quốc tuyên bố chỉ là hình thức, không thực hiện trên thực tế. Hành động đặt giàn khoan của Trung Quốc là hành động bạo lực, đe dọa an ninh an toàn chung chứ không thể gọi là nỗ lực hòa bình...

Một phóng viên của Mỹ đặt câu hỏi, Việt Nam có kỳ vọng nước Mỹ có tác động gì đến vấn đề trên biển của Việt Nam? Ông Lê Hải Bình trả lời, việc duy trì an ninh trên biển là trách nhiệm của mọi quốc gia. Hoa Kỳ là một nước lớn trên thế giới và trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Việt Nam mong muốn Hoa Kỳ có những tiếng nói mạnh mẽ hơn để giải quyết vấn đề ở khu vực thông qua luật pháp quốc tế.

Cũng trong cuộc họp báo, đại diện lực lượng Cảnh sát Biển Việt Nam cho biết thêm, về phía Việt Nam, chúng ta chỉ đưa ra một số lực lượng hạn chế để đấu tranh với Trung Quốc. Tàu Việt Nam đã thực hiện việc tuyên truyền vận động Trung Quốc rút bỏ giàn khoan. Ngoài ra, Việt Nam không sử dụng biện pháp khác trên thực địa. Mặc dù bị ngăn chặn nhưng lực lượng chấp pháp Việt Nam vẫn rất kiên trì, kiềm chế đấu tranh và vẫn thể hiện sự có mặt của mình trên thực địa. Ngày 27/5 vừa qua, Trung Quốc dùng 9 chiếc máy bay để hộ tống giàn khoan di chuyển đến khu vực hạ đặt mới.

Bất chấp nỗ lực của Việt Nam, Trung Quốc tổ chức nhiều vòng bảo vệ giàn khoan, vòng 1 trong khoảng 1-2 hải lý là tàu vận tải hạng nặng, vòng 2 là tàu hải giám, hải cảnh, vòng 3 là tàu chiến và tàu cá. Trung Quốc chia tàu thành các nhóm thường xuyên bám sát các tàu Cảnh sát biển, Kiểm ngư Việt Nam. Khi thấy tàu Cảnh sát biển, Kiểm ngư áp sát thì Trung Quốc lập tức cho tàu quây đến tấn công, ngăn chặn tàu Việt Nam làm nhiệm vụ. Ngoài tổ chức đâm va và phun nước, Trung Quốc còn sử dụng thiết bị sóng âm tần phát về phía tàu Việt Nam, gây ảnh hưởng đến sức khỏe tâm lý những người trên tàu.

Trên thực địa, Trung Quốc có những hành động leo thang mới, mở rộng vùng hoạt động của giàn khoan, di chuyển đến vị trí mới nằm sâu 60 hải lý trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Trung Quốc cũng huy động nhiều tàu, có ngày tới 140 tàu để bảo vệ giàn khoan, trong đó có nhiều tàu quân sự như tàu hộ vệ tên lửa, tàu quét mìn. Hành động này của Trung Quốc gây căng thẳng trầm trọng thêm trên khu vực. Phía Việt Nam ngày 2/6 đã gửi tiếp một công hàm (lần thứ 3) yêu cầu Trung Quốc chấm dứt hành vi vi phạm, rút ngay giàn khoan khỏi vùng biển Việt Nam, không tái diễn hành vi vi phạm, giải quyết hậu quả vụ việc qua đàm phán ngoại giao. Tuy nhiên, đến thời điểm này Trung Quốc vẫn không có hồi đáp những công hàm đã gửi của Việt Nam.

Liên quan đến vấn đề biển Đông và biển Hoa Đông, lãnh đạo nhóm G7 đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về những căng thẳng giữa Trung Quốc và một số quốc gia châu Á do tranh chấp chủ quyền. “Chúng tôi quan ngại sâu sắc về căng thẳng ở biển Đông và Hoa Đông. Chúng tôi phản đối bất kỳ nỗ lực đơn phương của bất kỳ nước nào nhằm khẳng định lãnh thổ hay tuyên bố chủ quyền hàng hải thông qua hăm dọa, áp chế hay sử dụng vũ lực”, các lãnh đạo G7 nêu rõ sau cuộc hội đàm ở Brussels. “Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên làm rõ và theo đuổi tuyên bố lãnh thổ, tuyên bố chủ quyền hàng hải phù hợp với luật pháp quốc tế”, G7 nhấn mạnh trong tuyên bố chung...
 

Thúc Hà

.