"Cảm xúc lúc này rất khó tả, anh em chỉ biết ôm nhau vui mừng vì mục tiêu rút nước cho đoạn hầm sập đã thành công".
 
11h00 ( Thanh niên) Mũi khoan tại cửa xả đã khoan được tới vị trí các công nhân gặp nạn. Nước phụt ra từ lỗ khoan rất mạnh khiến các công nhân đang tiến hành khoan giật mình chạy thoát ra ngoài. Khi xác định được mũi khoan đã thành công, mọi người ôm nhau reo hò.
 
Theo ông Trần Văn Tấn, Phó tổng giám đốc Công ty Sông Đà 10, người trực tiếp chỉ huy và chứng kiến thời điểm nước phụt mạnh từ mũi khoan, cho biết: "Cảm xúc lúc này rất khó tả, anh em chỉ biết ôm nhau vui mừng vì mục tiêu rút nước cho đoạn hầm sập đã thành công. Nước rút sẽ dễ dàng hơn cho việc đào hầm cứu hộ rất nhiều".
 
10h30 (Tuổi trẻ) Theo thông tin từ ban chỉ huy cứu hộ cứu nạn, các phương án sơ cấp cứu cho nạn nhân đang được triển khai khẩn cấp. Tại hiện trường, lực lượng quân đội và công an đang tạo mặt bằng để có thể sơ cấp cứu nạn nhân khi phương án giải cứu thành công. Một số tấm sắt và cây gỗ nhỏ đã được chuyển vào hiện trường để lập một lán sơ cấp cứu.
 
Tuy nhiên việc sơ cấp cứu chỉ là phương án dự phòng, phương án chính là chuyển nạn nhân đến bệnh viện Đa khoa tỉnh lâm đồng. Tại đây sẽ có chuyên gia của bệnh viện Chợ Rẫy hỗ trợ.
 
BS Nguyễn Bá Hy - Giám đốc BV Đa khoa tỉnh Lâm Đồng, cho biết: “Các phòng bệnh cách ly đã được chuẩn bị, lực lượng sơ cấp cứu cũng được huấn luyện việc ổn định tâm lý cho nạn nhân vì đây là trường hợp cấp cứu đặc biệt”.
 
10h05 (Dân Trí) Thông tin từ đại diện Bộ Xây dựng cho biết, đội công binh vừa xử lý thành công khối đá nghẽn ở ngách hầm bên phải sau khi cho nổ mìn để công phá. Như vậy, ngách hầm này đã tiến được 15m. Hướng ngách khoan bên trái chưa gặp chướng ngại vật, vẫn đang triển khai thuận lợi, đã hoàn thành được 8m. So với độ dày ước tính khoảng 25m của khối đất đá bao phủ, còn khoảng 10m nữa sẽ tiến được đến vị trí các công nhân gặp nạn.
 
Mũi khoan thứ 2 trên đỉnh đồi triển khai sau khi mũi khoan đầu bị gãy đã xuống sâu được 15-20m. Phía hạ lưu, lực lượng chức năng đã khoan, đặt được một ống thép đường kính phi 10 nên việc thoát nước trong hầm tương đối tốt.   
 
 
9h10: Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng đang có mặt chỉ huy ở hiện trường cho biết: "Tôi vừa ở trong hầm ra, vừa liên lạc với anh em công nhân mắc kẹt trong đó. Họ vẫn trả lời rõ ràng rành mạch, tinh thần sức khỏe anh em vẫn ổn định, tuy nhiên chúng ta phải rất gấp rút, vì đã là ngày thứ 4 rồi. May là anh em vẫn đang khỏe và hỗ trợ được thông tin từ bên trong".
 
Hiện lưu lượng nước và bùn xả ra từ mũi khoan thành công phía hạ lưu rất mạnh, với khoảng 10-15 m3/giờ, hy vọng lượng nước và bùn sẽ thoát nhanh. Riêng 2 đường hầm cứu nạn đào với tiến độ nhanh. "Có thể trong đêm nay sẽ tạo ra bước ngoặt" - Thứ trưởng Hùng nhận định.
 
 
Thứ trưởng Lê Quang Hùng cho biết thêm, về phương án cứu nạn, Ban Chỉ huy cũng đã liên lạc với các đối tác nước ngoài như Nhật Bản, Đài Loan... là các đối tác có những công nghệ khoan kích đẩy. "Ví dụ như khoan đường ống phi 800-1000, khoan đến đâu đẩy ống kích đến đó, công nghệ này hoàn toàn làm được. Chúng ta chuyển bản đồ địa chất cho họ xem rồi, thế nhưng thời gian để họ sang đây làm phải mất cả tuần nên chúng ta vẫn tích cực làm và chuyển tài liệu để họ nghiên cứu. Nếu việc đào hầm của ta có trục trặc thì ngay lập tức họ sẽ đưa công nghệ sang giúp, đó là phương án dự phòng" - ông Hưng cho biết. 
 
8h40: Ông Nguyễn Văn Dũng, Chánh Thanh tra mỏ - Tập đoàn Than, Khoáng sản Việt Nam, tham gia chỉ huy cứu hộ cho biết, tiến độ đào hầm bên ngách phải từ cửa chính để đưa nạn nhân ra ngoài đã đạt 13 mét. “Với tiến độ này, trong đêm nay, khả năng chúng tôi có thể tiếp cận được khoang hầm nơi 12 công nhân mắc kẹt” - ông Dũng nói.
 
Trong khi đó ở ngách trái, do các chiến sỹ công binh của Lữ đoàn công binh 25 (Quân khu 7) đảm nhiệm, Thiếu tá Đỗ Việt Phong, cán bộ phụ trách tác huấn cho biết, dù mới mở hôm qua nhưng đạt tiến độ khá nhanh, đã đào được 11 mét, gần kịp tiến độ của ngách phải.
 
Tại cửa hầm phía hạ lưu, đến giờ này, mũi khoan đã chính thức chạm đích, nước từ khoang hầm đã được xả phun trào rất nhiều. Như vậy, đã không còn lo ngại việc ứ đọng nước trong đường hầm nữa.
 
Trước đó, 7 giờ sáng nay, VNPT Lâm Đồng cũng đã đấu nối thành công đường truyền dẫn Đạ Nghịt vào khu vực này với chiều dài 6km để phục vụ hàng nghìn thuê bao Vinaphone và Mobifone đang cần sóng tại đây. 
 
Phương tiện và nước bùn chảy ra từ mũi khoan hầm xả
Phương tiện và nước bùn chảy ra từ mũi khoan hầm xả
 
6h30: Khoảng 22 giờ tối 18/12, Phóng viên Đài TNVN khu vực Tây Nguyên đã có cuộc gặp gỡ trò chuyện với ông Đặng Hồng Chiến, là công nhân của Thủy điện Đạ Dâng - Đạ Chomo, cũng là anh ruột của nạn nhân nữ duy nhất là Đặng Thị Hồng Ngọc (sinh năm 1988, quê ở Cát Văn, Thanh Chương, Nghệ An).
 
Ông Chiến cho biết, những ngày qua ông cũng được tham gia công tác tiếp tế thức ăn. Như ngày hôm qua, nguồn tiếp tế chuẩn bị gồm 6 lần tiếp cháo, mỗi lần 20 lít cháo loãng được gạn lấy nước. Mỗi ngày tiếp khoảng 5 lít chè gừng và khoảng 20 lít sữa. Lần tiếp thức ăn gần đây nhất, thông qua đường ống, ông Chiến trò chuyện được với các nạn nhân, nghe được tiếng đào khoan rất gần và phấn khởi vì đã có ánh sáng... Trong lúc trò chuyện , ông Chiến đã nhiều lần nghe máy điện thoại của người thân, bạn bè từ quê vào hỏi thăm chia sẻ.
 
Phóng viên VOV tại Tây Nguyên trò chuyện với ông Đặng Hồng Chiến trong lán trại
Phóng viên VOV tại Tây Nguyên trò chuyện với ông Đặng Hồng Chiến trong lán trại
 
Đến hôm nay, đã có khoảng 24 người thân của 12 nạn nhân, từ các miền quê đã có mặt tại hiện trường để chờ đón chồng, con, em mình được giải thoát an toàn.
 
Trao đổi với phóng viên, nhiều người thân cũng tin tưởng và hi vọng là các nạn nhân có thể khỏe để chờ đến khi giải thoát...
 
Như vậy, vấn đề còn lại là công tác tiếp cận nạn nhân của các lực lượng công binh và chuyên môn.
 
Thông tin mới nhất, đến rạng sáng nay, mũi khoan từ phía cửa xả hạ lưu đã đi sâu khoảng 60 mét và bắt đầu gặp nước phun trào rất nhiều. Chỉ còn dăm mét nữa, đường khoan này sẽ chạm đích và sẽ giải quyết được vấn đề xả hoàn toàn nước ứ đọng trong hầm, nơi 12 công nhân mắc kẹt. Như vậy, cả 3 tuyến đều đồng loạt triển khai nhằm có thế tiếp cận các nạn nhân một cách nhanh nhất.
 
Đến nay, ngoài các lực lượng của tỉnh Lâm Đồng, của Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Bộ Xây dựng, Công ty Sông Đà, các lữ đoàn công binh tham gia cứu hộ thì còn có thêm một số công ty xây dựng có năng lực và máy móc kỹ thuật hiện đại cũng đã tham gia công tác cứu hộ.
 
6h10: Đêm qua (18/12), ông Nguyễn Văn Yên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng, chỉ huy trực tiếp công tác cứu nạn đã viết một lá thứ kèm cây bút quấn giấy đưa vào bên trong hầm.
 
Lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng trực đêm cùng các đơn vị tham gia cứu hộ
Lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng trực đêm cùng các đơn vị tham gia cứu hộ
 
Lá thư có nội dung động viên tinh thần 12 công nhân, thông báo tình hình cứu hộ đang được triển khai khẩn trương:
 
“Thân gửi 12 anh chị em trong hầm!
 
Ban chỉ đạo phòng chống cứu nạn đang tập trung toàn lực để giải cứu các anh chị, với lực lượng máy móc, thiết bị hiện đại nhất và hàng trăm nhân lực của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ Xây dựng, Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam và tỉnh Lâm Đồng.
 
Anh chị em yên tâm, bằng mọi cách bảo vệ sức khỏe và thông tin kịp thời ra ngoài những yêu cầu của mình để được đáp ứng. Ở ngoài này mọi người làm việc 24/24 giờ với tinh thần nhanh nhất để cứu các anh chị.
 
TM. Ban chỉ đạo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, Nguyễn Văn Yên.
 
Anh em viết vào giấy và gửi ra ngoài".
 
Đường ống chuyển thư và bút dài khoảng 20 mét, lực lượng cứu hộ dùng sợi dây chuyên dụng dài 60 mét. Khi bên trong nhận thư và trả lời, bên ngoài sẽ kéo ra.
 
Đến 1 giờ sáng nay (19/12), sau hơn 1 giờ chuyển thư vào trong và chờ đợi, Ban chỉ huy Cứu nạn vẫn chưa nhận được hồi âm từ những người mắc kẹt trong hầm. Lực lượng cứu hộ nỗ lực liên lạc vào trong cũng không có kết quả./.
 
Theo VOV
.