(BVPL) - Mới đây, một tàu chiến của Trung Quốc có thể đã dùng radar điều khiển hỏa lực ngắm bắn tàu hộ vệ và máy bay tuần tra của Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản trên biển Hoa Đông. Khi tờ Asahi Shimbun đưa tin, một tàu chiến của Hải quân Trung Quốc đã ngắm bắn radar vào tàu chiến JS Sawagiri của Nhật Bản. Một nguồn tin từ Chính phủ Nhật Bản tiết lộ rằng, tàu khu trục của Trung Quốc còn chĩa radar vào một máy bay chống ngầm P-3C của Nhật, tại vùng biển bên phía Nhật Bản tại tuyến trung gian Nhật-Trung ở biển Hoa Đông, cách không xa mỏ dầu khí đang bị Trung Quốc khai thác.
 


Giới truyền thông Nhật Bản đưa tin, Nhật Bản tuyên bố sẽ triển khai hệ thống tên lửa đối hạm Type 12 tối tân nhất ra đảo Miyako gần Senkaku/Điếu Ngư trước năm 2016 để đối phó với những đe dọa trên biển từ phía Trung Quốc. Want China Times và kênh truyền hình Nhật Bản Japan News Network (JNN) cho biết, Nhật Bản đã điều các tên lửa chống tàu đến quần đảo Miyako hôm 6/6 và dự kiến triển khai thêm một loạt tên lửa thế hệ mới tại đây trước năm 2016.

Theo tin tức từ AFP, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã đăng lên trang web chính thức của mình cho biết đã triệu tập tùy viên quân sự tại Đại sứ quán Nhật Bản để phản đối vụ việc máy bay quân sự 2 nước “vờn nhau” trên biển Hoa Đông hôm 11/6. Còn theo tin tức từ Đài truyền hình NHK (Nhật Bản) cho biết vào khoảng 11 giờ theo giờ địa phương ngày 11/6, hai chiến đấu cơ Su-27 của Trung Quốc cố tình tiến gần hai máy bay của Lực lượng phòng vệ (SDF) Nhật Bản đang hoạt động trong không phận quốc tế trên biển Hoa Đông. Cụ thể, hai chiếc Su-27 của Trung Quốc đã áp sát các máy bay trinh sát của lực lượng phòng vệ Nhật Bản ở khoảng cách chỉ 30m và 45m, trong thời gian từ 11-12 giờ (theo giờ địa phương). Vụ việc không xảy ra thiệt hại nào đối với các máy bay của Nhật Bản.

Phía Nhật Bản cho biết, đây là lần thứ hai Trung Quốc điều máy bay chiến đấu áp sát máy bay quân sự của Nhật Bản. Trước đó hôm 24/5/2014, chiến đấu cơ Su-27 của Trung Quốc trang bị tên lửa đã bay ở khoảng cách gần, chỉ cách máy bay trinh sát OP-3C của Nhật 50m và cách máy bay do thám điện tử YS-11EB 30m. Đây là lần thứ 2 Bộ Quốc phòng Trung Quốc triệu tập quan chức Nhật Bản kể từ khi nước này công bố đoạn clip và hình ảnh để cáo buộc máy bay của mình bị Nhật Bản khiêu khích.

Trong một diễn biến khác, mới đây Philippines đang tìm cách tăng cường phòng thủ ở Biển Đông và chi 114 triệu USD để nâng cấp căn cứ tại vịnh Ulugan, với sự trợ giúp của đồng minh Mỹ, để đối phó với các hành động hung hăng trên biển của Trung Quốc. Vịnh Ulugan - một vịnh nhỏ nằm ở bờ biển phía Tây của đảo Palawan, một đảo lớn ở phía Tây Philipines, với phong cảnh tuyệt đẹp, được bao quanh bởi các rừng đước dày đặc - sẽ trở thành một phần quan trọng trong các nỗ lực của quân đội Philippines nhằm tăng cường bảo vệ các đảo và vùng biển tranh chấp ở Biển Đông.

Nhằm đối phó trực tiếp với các lo ngại về Trung Quốc, Philippines đã tìm kiếm sự trợ giúp từ Mỹ, một đồng minh lâu đời, để đẩy mạnh các lực lượng vũ trang, vốn được trang bị nghèo nàn, với các vũ khí mới và sự trợ giúp huấn luyện. Philippines và Mỹ cũng ký kết một thỏa thuận an ninh mới khi Tổng thống Mỹ Barack Obama tới thăm Manila hồi tháng 4, cho phép sự hiện diện nhiều hơn của quân đội Mỹ tại Philippines, trong đó có việc mở rộng các căn cứ quân sự. Tại vịnh Ulugan, hiện chỉ có một đồn hải quân nhỏ giữ vai trò trung tâm kiểm soát cho đơn vị quân đội Philippines chịu trách nhiệm bảo vệ các vùng biển trên Biển Đông.

Tổng thống Philippines Aquino cho hay, việc nâng cấp cũng cho phép hải quân giám sát các tàu bằng radar và tiến hành các hoạt động giám sát biển thông quan hệ thống vệ tinh. Tuy nhiên, Manila chỉ dành khoản ngân sách 500 triệu peso (114 triệu USD) cho việc nâng cấp vịnh Ulugan và các nhà phân tích cho rằng Philippines sẽ không có đủ khả năng để ngăn chặn Trung Quốc, vốn chi tới 119,5 tỷ USD cho quân đội trong năm ngoái. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là sự bổ sung của các binh sĩ và các vũ khí của Mỹ, cùng với việc Washington có thể đổ thêm tiền để mở rộng căn cứ. Theo thỏa thuận hợp tác phòng thủ tăng cường được ký kết giữa 2 đồng minh hiệp ước hồi tháng 4, các lực lượng Mỹ sẽ được phép tiếp cận 5 căn cứ quân sự của Philippines, cho phép Mỹ xây dựng các căn cứ và luân chuyển hàng nghìn binh sĩ. Thỏa thuận cũng cho phép Mỹ triển khai thêm các máy bay, tàu, thiết bị tới các căn cứ này.
 

Thúc Hà (Tổng hợp)

.