Theo nhiều đại biểu Quốc hội, người từ 70 tuổi trở lên vẫn phạm tội rất nghiêm trọng nên quy định không áp dụng tử hình là không hợp lý.
 


“Dẫu biết quy định theo hướng này là chính sách nhân đạo với người đến tuổi thượng thọ, nhưng tôi thấy chưa hợp lý vì thực tế, nhiều người ở độ tuổi này vẫn phạm tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, còn có thể là người cầm đầu các tổ chức tội phạm”, đại biểu Triệu Là Phan (Hà Giang) nêu quan điểm.

Nhiều đại biểu băn khoăn, nếu quy định không áp dụng, không thi hành án tử hình đối với người bị kết án từ 70 tuổi trở lên có thể dẫn đến việc lợi dụng để trì hoãn, trốn tránh sự trừng phạt, không bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.

Đại biểu Trần Thị Dung (Điện Biên) cũng nhấn mạnh, tử hình là hình phạt nghiêm khắc nhất, tước bỏ quyền được sống của con người, chỉ áp dụng với người phạm tội gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Đồng tình với dự thảo về việc giảm án tử hình, nhưng đại biểu đề nghị cân nhắc kỹ việc không tử hình người phạm tội trên 70 tuổi, vì thực tế có nhiều bị cáo phạm tội nghiêm trọng khi tuổi đã cao.

Cùng quan điểm, đại biểu Vũ Thị Nguyệt (Hưng Yên) cho rằng quy định như dự thảo là không phù hợp với thực tế.

Đại biểu đặt vấn đề: Cơ quan chủ trì soạn thảo dự án luật dựa trên căn cứ, tiêu chí nào để đưa đối tượng trên 70 tuổi vào diện không bị áp dụng hình phạt tử hình?

Không đồng tình với quy định này, đại biểu Huỳnh Văn Tính nhấn mạnh, thực tế người cao tuổi vẫn phạm tội nghiêm trọng, đặc biệt là tội về ma túy. Do đó, quy định như dự thảo là không đúng với thực tiễn, và cũng không có căn cứ để lấy mốc tuổi trên 70. Bởi nếu dựa trên chính sách với người cao tuổi thì vẫn chưa đúng vì luật quy từ 60 tuổi đã là người cao tuổi./.
 

Theo VOV

.