TP Hồ Chí Minh siết chặt chất lượng dinh dưỡng bữa ăn học đường
Cập nhật lúc 15:03, Thứ năm, 19/04/2018 (GMT+7)
Trước thực trạng học trò thừa cân béo phì đáng báo động và nhằm mục tiêu phát triển chiều cao tối đa cho thế hệ trẻ, ngành giáo dục TPHCM có nhiều hoạt động quan tâm đến an toàn thực phẩm, thực đơn dinh dưỡng trong trường học.
Sáng 18/4, Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức sơ kết đánh giá tình hình thực hiện công tác vệ sinh an toàn thực phẩm trong trường học năm học 2017-2018.
Bắt đầu từ năm 2012, TPHCM đã triển khai dự án "Bữa ăn học đường", trong đó cho ra đời bộ thực đơn dinh dưỡng dành riêng cho các trường tiểu học có tổ chức bếp ăn bán trú trên địa bàn. Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện, đã có 117 trường tiểu học áp dụng toàn phần bộ thực đơn dinh dưỡng, chiếm tỷ lệ 43% tổng số trường có tổ chức bếp ăn bán trú. Ngoài ra, có 32% đơn vị áp dụng một phần bộ thực đơn và 25% đơn vị chưa có điều kiện áp dụng.
Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM, nhiều trường chưa quyết liệt trong việc triển khai dự án do ngại khâu chế biến khi bộ thực đơn mới yêu cầu khá nhiều món so với thực đơn của trường. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều trường đặt suất ăn công nghiệp nên chưa thể triển khai.
|
|
Bữa ăn trưa của học sinh tiểu học ở TPHCM |
Để siết chặt chất lượng dinh dưỡng bữa ăn học đường, trong năm học 2018-2019, Sở GD-ĐT TPHCM đặt mục tiêu sẽ triển khai thực đơn dự án tại 100% trường tiểu học có tổ chức bán trú. Đồng thời yêu cầu các trường đặt suất ăn bên ngoài phối hợp với đơn vị cung cấp suất ăn thực hiện bộ thực đơn theo quy định.
Phầm mềm thực đơn dự án "Bữa ăn học đường" do Ajinomoto phát triển cùng với Viện Dinh dưỡng quốc gia -Bộ Y tế, Bộ GD-ĐT triển khai thực hiện giúp cung cấp và xây dựng những thực đơn cân bằng dinh dưỡng, đa dạng, ngon miệng và hỗ trợ công tác quản lý bữa ăn bán trú.
Theo đó, Phần mềm cung cấp cho nhà trường một ngân hàng thực đơn phong phú gồm: 120 thực đơn có sẵn với trên 360 món ăn không lặp lại cho bữa trưa, đã được cân bằng dinh dưỡng theo nhu cầu lứa tuổi; được phân chia theo ba khu vực Bắc, Trung và Nam.
Cũng trong buổi sơ kết này, Sở GD-ĐT TPHCM phối hợp cùng với công ty FMS phát động hội thi An toàn vệ sinh thực phẩm cấp tiểu học.
Với thông điệp “Giảm thừa cân béo phì - Tăng trưởng chiều cao cho người Việt - Đảm bảo VSATTP học đường”, hội thi được tổ chức tạo sân chơi lành mạnh cho học sinh và cấp dưỡng. Qua đó, qua đó tuyên truyền và nâng cao kiến thức về VSATTP cho không chỉ học sinh, cấp dưỡng mà cả giáo viên và phụ huynh học sinh - những người trực tiếp chế biến thực phẩm cho các em tại gia đình. Đồng thời góp phần giảm thiểu tối đa những vụ ngụ độc thực phẩm trong trường học.
Hội thi sẽ được tổ chức qua 4 vòng thi gồm vòng loại thi trực tuyến tại đơn vị, hai vòng thi trắc nghiệm kiến thức và nấu ăn, 3 đội xuất sắc nhất sẽ bước vào vòng chung kết dự kiến diễn ra vào cuối tháng 5/2018.
Được biết, từ năm 1980-2013, tỉ lệ thừa cân, béo phì trong cả nước tăng 27,5% ở người lớn và 47% ở trẻ em. TPHCM được xem địa phương có tốc độ thừa cân, béo phì gia tăng rất nhanh; trong đó nhóm học sinh tiểu học là 38,5%, học sinh trung học cơ sở 22,5% và trung học phổ thông 11,7%.
Tỉ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em TPHCM dưới 5 tuổi tăng gấp 3 lần; ở nhóm học sinh phổ thông tăng gấp 2 lần trong hơn 10 năm qua.
Hoài Nam/Dân trí