Phát biểu trong phiên khai mạc kì họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV (sáng 20/7), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị các đại biểu kiên quyết đấu tranh chống mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, tham nhũng, lãng phí và các hành vi tiêu cực khác...

 

1

 

2
Lãnh đạo Ðảng, Nhà nước và đại biểu Quốc hội đã đặt vòng hoa tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh trước phiên khai mạc Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV. (Ảnh: Việt Hưng)


Phiên khai mạc kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá XIV có sự tham dự của các lãnh đạo Nhà nước khoá trước: nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng.

Đúng 9h sáng 20/7, Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV đã khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội.

Khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội khoá XIII Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, cuộc bầu cử Quốc hội khoá XIV đã được tổ chức đúng pháp luật, dân chủ, an toàn, đúng pháp luật, thực sự là ngày hội của toàn dân. Hơn 67 triệu cử tri đã đi bầu để chọn ra 494 đại biểu thay mặt cho nhân dân quyết định những vấn đề quan trọng nhất của đất nước tại cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân.

Bà Ngân mong rằng, mỗi đại biểu Quốc hội khóa XIV cần nỗ lực rèn luyện không ngừng, tu dưỡng đạo đức, trình độ, năng lực công tác, gắn bó mật thiết với nhân dân, thực hiện có hiệu quả quyền hạn, trách nhiệm của người đại biểu Quốc hội, xứng đáng với danh hiệu Người đại biểu của Nhân dân.

Chủ tịch Quốc hội khái quát, Quốc hội khoá XIII rất nỗ lực trong 5 năm qua để hoàn thành tốt các nhiệm vụ lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Thành công của Quốc hội khoá XIII là một trong những cơ sở, tiền đề để Quốc hội khóa XIV và các khóa tiếp theo tiếp tục đổi mới và phát triển.

Nhân dân và cử tri kỳ vọng Quốc hội khóa XIV sẽ kế thừa, phát huy những thành tựu của những khóa trước, tiếp tục đổi mới nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả hoạt động của mình.

Theo chương trình đã thông qua, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ nghe Hội đồng bầu cử Quốc gia báo cáo tổng kết cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, kết quả xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội được bầu; Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri cả nước trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp vừa qua; xem xét, quyết định về tổ chức, nhân sự cấp cao của bộ máy nhà nước theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Cũng tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ nghe Chính phủ báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2016, các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2016; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2014; xem xét, thông qua các Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016; Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2017 và việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề.

Kết thúc bài phát biểu tuyên bố khai mạc kỳ họp, nữ Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội nêu cao tinh thần trách nhiệm, trí tuệ, phát huy dân chủ, tích cực đóng góp ý kiến thảo luận và quyết định các vấn đề thuộc nội dung chương trình kỳ họp, bảo đảm để kỳ họp thành công tốt đẹp.

Phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khái quát cuộc bầu cử trên cả nước 2 tháng trước để chọn được 494 đại biểu Quốc hội khoá XIV – những người thay mặt nhân dân gách vác trọng trách quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước.

Nhấn mạnh về thành công của cuộc bầu cử lần này, Tổng Bí thư chúc mừng tất cả những đại biểu đã trúng cử trong cuộc bầu cử.

Nhắc đến bối cảnh Quốc hội khoá mới nhận nhiệm vụ với những diễn biến phức tạp khó lường, Tổng Bí thư nhấn mạnh, Quốc hội phải nỗ lực phấn đấu để hoàn thành tốt hơn trọng trách trước nhân dân, đất nước.

Tổng Bí thư đề nghị quan tâm những định hướng lớn. Trước hết là hoàn thiện thể chế pháp luật sao cho khả thi, cụ thể hoá Hiến pháp, bảo đảm giữ vững ổn định chính trị xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh, xây dựng nhà nước ngày càng vững mạnh.

Tổng Bí thư lưu ý việc đổi mới hoạt động xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, hoàn thiện cơ chế thị trường XHCN. Tổng Bí thư nhấn mạnh vấn đề quản lý tài chính, tài nguyên môi trường, khắc phục hiện tượng tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong các lĩnh vực này.

Yêu cầu đặt ra trong quá trình hoàn thiện thể chế pháp luật là đảm bảo nguyên tắc

Về hoạt động giám sát, Tổng Bí thư lưu ý về thẩm quyền giám sát của các chủ thể, chú ý hơn nữa hoạt động hậu giám sát. Người đứng đầu Đảng nhắc, việc giám sát không tiến hành một cách dàn trải mà cần xác định trọng tâm, trọng điểm.

Tại Quốc hội, hoạt động chất vấn cũng cần đi vào thực chất, tạo ra những chuyển biến thực chất.

Việc quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, Tổng Bí thư nhắc đến việc tổ chức bộ máy nhân sự của đất nước. Tại kỳ họp này, Quốc hội tiến hành bầu, phê chuẩn các chức danh lãnh đạo chủ chốt. Đây là một vấn đề rất hệ trọng. Tổng Bí thư đề nghị, trên cơ sở thực hiện công tác cán bộ Đại hội Đảng 12 đã đề ra, căn cứ tiêu chuẩn chung đối với cán bộ… Quốc hội sẽ sáng suốt lựa chọn để tạo được bộ máy lãnh đạo mạnh mẽ, đảm bảo hoạt động có hiệu lực, hiệu quả.

Thực tiễn cho thấy, chất lượng và hiệu quả hoạt động của Quốc hội phụ thuộc rất lớn vào chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan của Quốc hội và từng đại biểu Quốc hội. Theo đó, các vấn đề trước khi trình Quốc hội cần được bàn bạc một cách kỹ lưỡng, xem xét cẩn trọng và khi đã trình ra chỉ tập trung vào một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau. Vì vậy, Tổng Bí thư yêu cầu tiếp tục đổi mới hoạt động của UB Thường vụ Quốc hội.

Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội cần có liên hệ chặt chẽ với các cơ quan: Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, TAND tối cao, VKSND tối cao… Với cá nhân đại biểu Quốc hội – người chịu trách nhiệm trước cử tri và nhân dân, cần thực hiện tốt chương trình hành động, thường xuyên tiếp xúc, lắng nghe cử tri, chịu sự giám sát của cử tri… Tổng Bí thư nhấn mạnh yêu cầu, kiên quyết đấu tranh chống mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, tham nhũng, lãng phí và các hành vi tiêu cực khác.

“Yêu cầu thực tế đang đặt ra với các đại biểu Quốc hội những nhiệm vụ rất nặng nề, đòi hỏi Quốc hội tiếp tục đổi mới nội dung và phương pháp hoạt động” – Tổng Bí thư kết lại bài phát biểu với những lời chúc tốt đẹp tới Quốc hội cũng như tân đại biểu Quốc hội khoá XIV.
 

Theo Dân trí

.