(BVPL) - Trong lịch sử hàng ngàn năm dựng và giữ nước của dân tộc ta, biển, đảo luôn là một phần thiêng liêng không thể tách rời, không thể chia cắt, có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng. Bằng công sức, mồ hôi và nước mắt, các thế hệ người Việt đã xác lập liên tục, quản lý và bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, chủ quyền quốc gia trên biển Đông. Và hôm nay để tiếp tục nhiệm vụ thiêng liêng ấy, bao cán bộ, chiến sỹ Hải quân nhân dân Việt Nam đã thầm lặng hiến dâng công sức, trí tuệ và cả tính mạng, xương máu của mình để bảo vệ trọn vẹn chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
 |
|
DK1 và những hy sinh thầm lặng
Trong gần 26 năm qua, kể từ ngày nhà nước ta thành lập Cụm Kinh tế- Khoa học- Dịch vụ trên thềm lục địa phía Nam (05/7/1989), các thế hệ cán bộ chiến sỹ quân chủng hải quân, trực tiếp là cán bộ, chiến sỹ tiểu đoàn DK1 Bộ tư lệnh vùng 2 hải quân đã gác lại mọi tình cảm riêng tư để có mặt, làm nhiệm vụ trên các nhà giàn muôn vàn khó khăn, gian khổ và khắc nghiệt. Trong quá trình làm nhiệm vụ ở đây, đã có nhiều sự hy sinh anh dũng của các chiến sỹ do sự hung dữ, khắc nghiệt của bão tố, thiên nhiên. Đó là sự hy sinh cao cả của cán bộ, chiến sỹ nhà giàn DK1-3 Phúc Tần, khi cơn bão số 10 với sức gió giật trên cấp 12 đổ bộ vào khu vực Nam biển Đông ngày 04 tháng 12 năm 1990. Dưới sự chỉ huy của Trung úy - Trạm trưởng Bùi Xuân Bổng và Thượng úy - Trạm phó Chính trị Trần Hữu Quảng, cán bộ chiến sỹ đã ra sức chống chọi với cơn bão, cố gắng bám trụ để bảo vệ nhà giàn. Nhưng cơn bão quá mạnh, nhà giàn bị quật đổ cuốn trôi cả 8 chiến sỹ xuống biển, trong đó có 3 đồng chí đã anh dũng hy sinh. Vẫn còn đó, tấm gương hy sinh anh dũng và cao đẹp của Thượng úy Nguyễn Hữu Quảng, khi trong cận kề sự sống và cái chết anh đã nhường chiếc phao cá nhân và miếng lương khô cuối cùng của mình cho chiến sỹ yếu nhất, nhường sự sống cho đồng đội và thanh thản ra đi. Hay là hành động với tinh thần “người còn nhà giàn còn” của 9 cán bộ, chiến sỹ nhà giàn DK1-16 Phúc Nguyên trong cơn bão số 8 năm 1998, khi nhà giàn đã bị nghiêng và rung lắc dữ dội nhưng các đồng chí vẫn bám trụ, giữ vững thông tin liên lạc để rồi cả 9 người bị hất tung xuống biển và 3 người đã hy sinh. Chuẩn úy Lê Đức Hồng đã bám trụ đến giây phút cuối để giữ thông tin liên lạc với Sở chỉ huy quân chủng. Khi nhà giàn DK1-16 Phúc Nguyên bị đổ, anh chỉ kịp gửi lời chào “vĩnh biệt đất liền” và anh dũng hy sinh. Còn rất nhiều những gương chiến sỹ đã anh dũng hy sinh vì chủ quyền biển, đảo Tổ quốc. Sự hy sinh của các anh tô đắp thêm tượng đài cột mốc chủ quyền hùng vĩ giữa biển khơi.
Trường Sa, DK1 với những cái tên: Phúc Nguyên, Phúc Tần, Huyền Trân, Ba Kè, Tư Chính chưa được nhiều người biết đến như những địa danh lịch sử: Bạch Đằng, Đống Đa, Chương Dương, Hàm Tử, hay Điện Biên Phủ, Thành cổ Quảng Trị…, nhưng nơi đây, máu của các anh đã hòa cùng biển mặn để góp phần xây đắp sự nguyên vẹn và trường tồn của dáng hình đất nước.
Chung tay vì biển, đảo
Trong chuyến công tác 10 ngày tới Trường Sa cùng Đoàn công tác số 13 trên con tàu vận tải 996, chúng tôi đã có được cái nhìn thực tế hơn, tin tưởng hơn vào bản lĩnh của những con người đang ngày đêm canh giữ biển đảo quê hương. Và cũng từ chuyến đi này đã giúp mỗi thành viên ý thức hơn về trách nhiệm của bản thân trong công cuộc xây dựng đất nước, để có một Trường Sa luôn vững vàng, để giữ cho Tổ quốc luôn trong dáng hình trọn vẹn. Ông Nguyễn Ngọc Ẩn- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, Phó trưởng đoàn công tác số 13 khẳng định: “Đi Trường Sa khó hơn đi nước ngoài, chúng tôi hôm nay được có mặt ở đây cùng các đồng chí là một vinh dự lớn lao, nhưng cũng đặt ra một trách nhiệm nặng nề hơn khi về đất liền. Nhìn các đồng chí, chúng tôi biết mình cần cố gắng nhiều hơn để phát triển kinh tế, giúp đất nước đẩy nhanh quá trình phát triển. Một đất nước có kinh tế mạnh thì mới đủ sức để đầu tư cho bảo vệ và xây dựng biển, đảo. Trước mắt tỉnh Phú Yên sẽ tạo mọi điều kiện để hỗ trợ ngư dân bám biển, vươn khơi xa vừa để cải thiện cuộc sống, vừa sát cánh cùng các đồng chí bảo vệ vững chắc và khẳng định chủ quyền biển, đảo quê hương”.
Đoàn công tác số 13 gồm 182 đại biểu, trong đó có 30 đại biểu của VKSNDTC và VKSND một số địa phương đã đến thăm, động viên, tặng quà cho cán bộ, chiến sỹ, nhân dân tại 12 đảo, điểm đảo và nhà giàn thuộc huyện đảo Trường sa gồm: Đảo Trường Sa, Đá Lát, Đá Đông (A,B,C), Phan Vinh (A,B), Tiên Nữ, Núi Le, Thuyền Chài, An Bang, Nhà giàn DK1-21. Đoàn đã trao tặng cho quân dân huyện đảo Trường Sa và các tàu cá ngư dân đang đánh bắt trên biển với số tiền 2,8 tỷ đồng, trong đó có 425 thùng quà và gần 2 tỷ đồng tiền mặt. Đoàn VKSNDTC cũng đã thay mặt cán bộ, công chức, viên chức toàn ngành Kiểm sát nhân dân gửi tặng cán bộ chiến sỹ và nhân dân Trường Sa số tiền 500 triệu đồng, 47 thùng quà, 10 bức tranh kỷ niệm và 200 cuốn sách “Viện kiểm sát nhân dân- 55 năm xây dựng và phát triển”.
 |
Đoàn công tác số 13 thăm thị trấn Trường Sa. |
Đoàn công tác đã tổ chức lễ dâng hương tại Đài tưởng niệm các liệt sỹ; nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh; thắp hương tại chùa và mộ liệt sỹ, tổ chức đi thăm động viên ngư dân đang đánh bắt cá tại ngư trường Trường Sa.
Được nghe lãnh đạo, chỉ huy trên các đảo, nhà giàn DK1-21 báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ, chúng tôi không khỏi vui mừng khi biết được lực lượng trên các đảo, nhà giàn đã phát huy tinh thần tự lực, tự cường, đẩy mạnh tăng gia rau xanh, khai thác đánh bắt hải sản, tiết kiệm nước ngọt để đáp ứng đời sống của bộ đội và bảo đảm lượng thực phẩm dự trữ sẵn sàng chiến đấu cao. 100% các hộ dân trên đảo Trường Sa đều an tâm phấn khởi, tin tưởng vào chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, từng bước ổn định đời sống, sẵn sàng cùng các lực lượng trên đảo bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của tổ quốc khi có tình huống xảy ra.
Có thể nói, dù đã nhận được nhiều sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và nhân dân cả nước, nhưng Trường Sa vẫn cần được đầu tư nhiều hơn nữa nhằm giúp ngư dân yên tâm bám biển, cán bộ chiến sỹ và nhân dân trên đảo vững vàng tay súng bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo quê hương.
Nghe những tâm sự của chủ tàu cá BĐ91377TS Trương Hoài Lưu quê ở Hoài Nhơn- Bình Định mới thấy dù nghề cá có muôn trùng hiểm nguy nhưng ngư dân vẫn một lòng bám biển: “Tôi làm nghề này gần 20 năm rồi, mặc dù thu nhập không cao, chuyến trước đi về sau khi trừ vốn chỉ còn mỗi người khoảng 2 triệu đồng mà phải đi cả tháng trời trên biển, nhưng không bỏ được, nghề đi biển nó ăn vào máu mất rồi”.
Biển khơi đầy sóng gió, ngư dân phải đối mặt với biết bao rủi ro, bất trắc, thậm chí phải trả giá bằng chính mạng sống của mình. Bên cạnh hiểm họa thiên nhiên rình rập, những ngư dân mưu sinh ở những ngư trường truyền thống: Hoàng Sa và Trường Sa còn phải đối phó với sự quấy nhiễu, xua đuổi, bắt bớ, tấn công của các tàu Trung Quốc. Thế nhưng, họ vẫn kiên cường ra khơi, bám biển. Hình ảnh ngư dân Bùi Văn Phải, Phạm Quang Thạnh bị tàu Trung Quốc bắn cháy cabin vẫn bảo vệ bằng được lá cờ Tổ quốc trên nóc tàu hay sự hiện diện của hàng ngàn con tàu cùng lá cờ Tổ quốc chính là những cột mốc chủ quyền để nhắc nhở mỗi người dân chúng ta và khẳng định với cả thế giới rằng Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam.
Hà Hải