leftcenterrightdel
 Quang cảnh họp báo.

Tại họp báo, Bộ trưởng Trần Văn Sơn cho biết: Sáng cùng ngày, Chính phủ họp Phiên thường kỳ tháng 11 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, tập trung thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội, công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tháng 11 và 11 tháng năm 2024, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong tháng 12; dự thảo Nghị quyết 01 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước và dự thảo Nghị quyết 02 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024.

Tại Phiên họp, các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định: Trong bối cảnh nêu trên, nhờ có sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Ban Chấp hành Trung ương, mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm; sự đồng hành, phối hợp chặt chẽ, tích cực của Quốc hội và các cơ quan trong hệ thống chính trị; sự tham gia, ủng hộ của Nhân dân, doanh nghiệp; sự hợp tác, giúp đỡ của bạn bè quốc tế; đặc biệt là sự chỉ đạo quyết liệt, sâu sát, linh hoạt, sáng tạo, có trọng tâm, trọng điểm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của các cấp, các ngành, các địa phương, tình hình KTXH tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước; nhìn chung 11 tháng đạt nhiều kết quả quan trọng, tốt hơn cùng kỳ trên hầu hết các lĩnh vực, nổi bật là:

Các khu vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ đều phục hồi, phát triển tốt. Đặc biệt, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 11 tăng 2,3% so với tháng 10 và tăng 8,9% so cùng kỳ; tính chung 11 tháng tăng 8,4% (cùng kỳ năm 2023 chỉ tăng 0,9%). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 11 tháng tăng 8,8%. Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 11 đạt 50,8 điểm, thể hiện sản xuất, đơn hàng tiếp tục mở rộng.

Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm và có thặng dư cao. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 11 tháng tăng 3,69%. Tỷ giá, lãi suất nhìn chung ổn định; dư nợ tín dụng tăng gần 12%. An ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm (xuất khẩu gạo đạt gần 8,5 triệu tấn, kim ngạch trên 5,3 tỷ USD, tăng lần lượt 10,6% và 22,3% so với cùng kỳ); cơ bản bảo đảm cân đối cung cầu lao động.

Xuất khẩu tiếp tục tăng cao, xuất siêu lớn. Xuất khẩu 11 tháng tăng 14,4% (khu vực trong nước tăng 20%, khu vực FDI tăng 12,4%); nhập khẩu tăng 16,4%; xuất siêu trên 24,3 tỷ USD.

Du lịch phục hồi mạnh. Khách quốc tế tháng 11 đạt 1,7 triệu lượt, tăng 38,8% so với cùng kỳ; 11 tháng đạt 15,8 triệu lượt, tăng 41%.

Thu NSNN tăng mạnh. Tổng thu NSNN 11 tháng đạt 106,3% dự toán, tăng 16,1% (trong khi đã miễn, giảm, gia hạn 189,6 nghìn tỷ đồng thuế, phí, lệ phí). Nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi NSNN thấp hơn giới hạn quy định.

Đầu tư phát triển đạt kết quả tích cực. Giải ngân vốn đầu tư công 11 tháng đạt 60,43% kế hoạch. Nhiều công trình kết cấu hạ tầng giao thông, năng lượng quy mô lớn được đẩy mạnh. Thu hút FDI là điểm sáng, tính chung 11 tháng đạt 31,4 tỷ USD; vốn FDI thực hiện đạt 21,7 tỷ USD, tăng 7,1%, cao nhất trong nhiều năm qua.

Phát triển DN tiếp tục xu hướng tích cực. Tính chung 11 tháng, có 218.500 DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 7,4% so với cùng kỳ.

Quyết liệt xử lý các dự án tồn đọng, kéo dài; trong đó đã báo cáo và đề xuất Bộ Chính trị đồng ý phương án xử lý hết 12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả, kéo dài, một số dự án đã có lãi.

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế được chú trọng; an sinh xã hội được bảo đảm. Trong tháng 11, có 96,2% số hộ gia đình đánh giá có thu nhập ổn định hoặc cao hơn cùng kỳ. Tai nạn giao thông tháng 11 giảm ở cả 3 tiêu chí (số vụ tai nạn giao thông giảm 18,1%; số người chết giảm 13,0%; số người bị thương giảm 23,8% so cùng kỳ 2023). Theo xếp hạng của Liên Hợp Quốc, chỉ số hạnh phúc năm 2024 của Việt Nam tăng 11 bậc, xếp thứ 54/143.

Cải cách hành chính, chuyển đổi số, Đề án 06 và phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được đẩy mạnh. Trong 11 tháng năm 2024, các bộ, ngành đã cắt giảm, đơn giản hóa 356 quy định kinh doanh; phân cấp giải quyết 172 thủ tục hành chính, đơn giản hóa 286 thủ tục hành chính, giấy tờ công dân. Đến nay, đã cắt giảm, đơn giản hóa 3.131/15.801 quy định kinh doanh, đạt 19,8%; đơn giản hóa 867/1.084 thủ tục hành chính, giấy tờ công dân, đạt 80%; tỉ lệ hồ sơ trực tuyến tại bộ, ngành đạt 58,99%, tại địa phương đạt 55,6% (tăng lần lượt là 29,58% và 15,4% so với cùng kỳ năm 2023).

An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định; đối ngoại, hội nhập quốc tế được đẩy mạnh; uy tín, vị thế đất nước được nâng lên.

leftcenterrightdel
 Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ cung cấp thông tin về tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng đầu năm 2024 đến báo chí - Ảnh: VGP

Định hướng thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh quan điểm "Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ đã thống nhất, Quốc hội đồng tình, Nhân dân ủng hộ, Tổ quốc mong đợi, thì chỉ bàn làm, không bàn lùi". Các thành viên Chính phủ, người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương phải có tư duy đổi mới, đột phá với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt theo tinh thần "dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung"; "đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện; đã làm, đã thực hiện là phải có hiệu quả".

Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới. Trong đó:

Thứ nhất, triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; chủ động xử lý công việc theo thẩm quyền, tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, kiên quyết không đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Trong đó, tập trung cao độ công tác tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW và đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả". Tạo sự thống nhất trong nội bộ, trong tư tưởng, thực hiện tốt kế hoạch, định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ; các bộ ngành giảm ít nhất 15% đầu mối bên trong.

Thứ hai, tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn với mục tiêu: tăng GDP quý IV đạt khoảng 7,4 - 7,6%, cả năm 2024 đạt trên 7%; phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 8% trong năm 2025. Bảo đảm ổn định thị trường, giá cả hàng hoá thiết yếu, lương thực, thực phẩm…, nhất là dịp cuối năm và Tết Nguyên đán sắp tới. Khẩn trương hoàn thiện các Nghị quyết 01, 02 về nhiệm vụ, giải pháp phát triển KTXH và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2025, với tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược, nhìn xa, trông rộng trong xây dựng mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để thu hút nguồn vốn xã hội, thúc đẩy tăng trưởng.

Thứ ba, tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới: Đẩy mạnh thực hiện các dự án đầu tư công và 03 CTMTQG, phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 95% kế hoạch. Tận dụng 17 FTA đã ký; mở rộng thị trường Halal, Mỹ Latinh, châu Phi. Thúc đẩy, tạo đột phá cho các động lực tăng trưởng mới như chuyển đổi số; chuyển đổi xanh; thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực mới; phát triển kinh tế biển, đô thị, kinh tế vùng, liên kết vùng.

Thứ tư, đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng số quốc gia, hạ tầng đổi mới sáng tạo, hệ thống cao tốc với sân bay, cảng biển. Phấn đấu đến hết năm 2025 hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc và trên 1.000 km đường bộ ven biển.

Thứ năm, đẩy mạnh đột phá về đào tạo nhân lực và hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia: Triển khai tích cực, hiệu quả các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Khẩn trương ban hành Quyết định thành lập Ban chỉ đạo về chống lãng phí trước ngày 10/12/2024. Đẩy mạnh chuyển đổi số, Đề án 06, xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia.

Thứ sáu, tiếp tục tập trung xử lý dứt điểm các vấn đề tồn đọng, kéo dài, nhất là tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án đất đai theo Kết luận số 77-KL/TW của Bộ Chính trị.

Thứ bảy, chú trọng các lĩnh vực văn hoá, xã hội, môi trường; bảo đảm ASXH, đời sống Nhân dân như triển khai chương trình mục tiêu văn hóa; đẩy mạnh phong trào thi đua xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Thứ tám, tăng cường quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống tội phạm, nhất là tội phạm công nghệ cao, tội phạm mạng, tội phạm ma tuý. Tổ chức tốt các hoạt động đối ngoại của Lãnh đạo cấp cao.

Thứ chín, tăng cường công tác thông tin, truyền thông, góp phần tạo đồng thuận xã hội và khí thế phấn khởi, nỗ lực vươn lên của toàn xã hội.

Thứ mười, tích cực triển khai các công việc của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội XIV.

Mười một, tổ chức tổng kết công tác năm 2024 và chuẩn bị Tết vui tươi, lành mạnh, an toàn cho nhân dân.

Thế Đức