leftcenterrightdel
 Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phân tích một số nét chính về bối cảnh, tình hình tháng 5 vừa qua. Ảnh: VGP

Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2022, tập trung thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội, việc triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, ngân sách nhà nước trong tháng 5 và 5 tháng đầu năm.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính phân tích một số nét chính về bối cảnh, tình hình tháng 5 vừa qua. Cụ thể, Thủ tướng cho hay, cạnh tranh chiến lược giữa các nước diễn biến phức tạp, chiến sự ở Ukraine vẫn kéo dài, khó đoán định, tác động tới kinh tế toàn cầu. Kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại. Rủi ro lạm phát, giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, đặc biệt là giá dầu. Các vấn đề về an ninh phi truyền thống, an ninh lương thực, biến đổi khí hậu… diễn biến phức tạp.

Trong nước, tình hình dịch COVID-19 tiếp tục được kiểm soát. Nhiều sự kiện lớn, quan trọng diễn ra. Các hoạt động đối ngoại, nhất là đối ngoại cấp cao được triển khai sôi động, nhịp nhàng, hiệu quả…

Chính phủ cũng đã tiếp tục xử lý các vấn đề tồn đọng như: các dự án thua lỗ, các tổ chức tín dụng yếu kém, một số dự án đầu tư công kéo dài, chậm tiến độ từ nhiều năm. Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 chính thức phát điện sau nhiều năm "đóng băng".

“Chúng ta cũng tiếp tục xử lý một số vấn đề phát sinh trong bối cảnh mới như một số vấn đề liên quan thị trường vốn, lạm phát, tăng giá xăng dầu, tăng giá nguyên liệu đầu vào…”- Thủ tướng nói.

Bên cạnh đó, Chính phủ đã ban hành 6 nghị định, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 4 quyết định để triển khai chương trình phục hồi và phát triển.

Tuy nhiên, đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, những người bị ảnh hưởng bởi COVID-19. Việc giải ngân đầu tư công cần cố gắng hơn. Cần tiếp tục hoàn thiện các văn bản hướng dẫn các thủ tục triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Một số vấn đề liên quan tới sách giáo khoa, thuốc chữa bệnh cần có giải pháp tích cực, hiệu quả hơn để đáp ứng mong muốn, yêu cầu của người dân.

leftcenterrightdel
Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2022, tập trung thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội. Ảnh:VGP

Cũng theo Thủ tướng, việc giải ngân đầu tư công chưa được cải thiện mạnh mẽ. Chăn nuôi khó khăn do giá thức ăn cao; hoạt động khai thác biển khó khăn do giá nhiên liệu tăng cao. Đăng ký mới FDI có xu hướng giảm. Đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, người chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh. Thiên tai, mưa lũ diễn biến phức tạp, gây hậu quả nặng nề. Nguy cơ xuất hiện một số dịch bệnh mới như đậu mùa khỉ, viêm gan cấp tính ở trẻ em... An ninh trật tự, an toàn xã hội có những diễn biến phức tạp như cờ bạc trên mạng, an ninh mạng...

Do đó, trong tháng 6 và thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tập trung làm tốt một số nhiệm vụ sau:

Trước hết, phải tiếp tục làm tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19. Tập trung đẩy mạnh thực hiện chiến dịch tiêm chủng vắc xin bảo đảm an toàn, khoa học, kịp thời, hiệu quả, nhất là tiêm vắc xin cho trẻ em. Bộ Y tế hướng dẫn về 5K phù hợp tình hình mới; nghiên cứu sửa đổi quy định tiêm vắc xin cho phù hợp, thực tiễn đã cho thấy, vắc xin là yếu tố quyết định để phòng, chống dịch COVID-19, mở cửa trở lại.

Căn cứ tình hình thực tế để sử dụng hiệu quả khoản kinh phí 46.000 tỉ đồng được bố trí dành cho nhập khẩu vắc xin, thuốc điều trị, trang thiết bị y tế. Thủ tướng lưu ý, tình hình dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, những dịch bệnh khác có thể nổi lên, do đó, phải tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, bảo đảm vắc xin, thuốc chữa bệnh, trang thiết bị, vật tư y tế cho phòng chống dịch bệnh, ai làm sai phải xử lý, ai làm tốt, có công thì động viên, tôn vinh, khen thưởng.

Tập trung rà soát, bổ sung, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, kịp thời tháo gỡ, đề xuất xử lý các khó khăn, vướng mắc trong thực tế, nhất là phối hợp với các cơ quan của Quốc hội giải quyết các điểm nghẽn về quy hoạch, đầu tư công, chương trình phục hồi nhanh và phát triển bền vững, các chương trình mục tiêu quốc gia, các vấn đề liên quan tới vật liệu xây dựng, đất rừng, đất lúa... mà nhiều địa phương kiến nghị.

Tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Điều hành chính sách tiền tệ, tài khóa chủ động, linh hoạt. Phát triển thị trường vốn an toàn, lành mạnh, bền vững, hiệu quả, xử lý nghiêm các sai phạm nhưng bảo vệ những người làm ăn chân chính.

Đặc biệt, tại cuộc họp, Thủ tướng yêu cầu xác định giải ngân vốn đầu tư công là một nhiệm vụ trọng tâm để vừa giải quyết các nút thắt, bức xúc của nhân dân, vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vừa phát triển đột phá chiến lược về hạ tầng. Rà soát điều chuyển kế hoạch đầu tư vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang dự án có tiến độ giải ngân tốt.

Đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, thúc đẩy chuyển đổi xanh, thích ứng biến đổi khí hậu, vừa góp phần phục hồi và phát triển trong nước, vừa góp phần giải quyết các vấn đề toàn cầu.

Về cổ phần hóa doanh nghiệp, Thủ tướng cho rằng, cần đánh giá lại tình hình thực tiễn và việc triển khai thời gian qua, xây dựng chương trình, mục tiêu, giải pháp phù hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định để thúc đẩy công tác cổ phần hóa, bảo đảm hiệu quả, đưa các doanh nghiệp phát triển, không thất thoát tài sản nhà nước, không mất cán bộ…

Tổ chức tốt kỳ thi trung học phổ thông quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2022, bảo đảm an toàn, nghiêm túc, chất lượng. Tổ chức hội nghị sơ kết tự chủ đại học và việc thực hiện các quy định pháp luật về tự chủ đại học để làm căn cứ sửa đổi, bổ sung quy định liên quan.

Đồng thời, cân nhắc, thận trọng xây dựng lộ trình điều chỉnh học phí phù hợp, căn cứ thực tiễn, phù hợp với lợi ích của nhà nước, tổ chức và học sinh, sinh viên. Thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, rà soát, nghiên cứu giải pháp phù hợp với các vấn đề liên quan sách giáo khoa theo hướng tạo thuận lợi, tiết kiệm, giảm chi phí, bảo đảm lợi ích chính đáng của học sinh, phụ huynh…

Cùng với đó, đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là trong các lĩnh vực dễ xảy ra tiêu cực (đất đai, tài chính, ngân hàng, chứng khoán...). Đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án, vụ việc tham nhũng; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, siết chặt kỷ cương, xử lý nghiêm các vi phạm.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, đẩy mạnh phòng, chống tội phạm. Chuẩn bị và tổ chức tốt chương trình đối ngoại của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; đẩy mạnh hội nhập quốc tế, tăng cường quan hệ với các đối tác. Các cơ quan tăng cường phối hợp, nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin truyền thông, nhất là phản bác lại những thông tin xấu độc, chống phá của các thế lực thù địch, đồng thời bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc.

 

 


Minh Nhật