Thủ tướng lên đường thăm CHLB Đức và tham dự Hội nghị G20
Cập nhật lúc 23:32, Thứ tư, 05/07/2017 (GMT+7)
Nhận lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Liên bang Đức Angela Merkel, rạng sáng 5/7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân đã rời Hà Nội, lên đường thăm Cộng hòa Liên bang Đức và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại thành phố Hamburg, Cộng hòa Liên bang Đức. (Thủ tướng , tham dự, Hội nghị G20, CHLB Đức )
Nhận lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Liên bang Đức Angela Merkel, rạng sáng 5/7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân đã rời Hà Nội, lên đường thăm Cộng hòa Liên bang Đức và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại thành phố Hamburg, Cộng hòa Liên bang Đức.
|
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. (Ảnh: TTXVN) |
Tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng; Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh; Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trưởng Trần Hồng Hà; Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh; Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tuyên Quang Phạm Minh Huấn, cùng lãnh đạo một số Ban của Đảng, Ủy ban của Quốc hội và các bộ, ngành khác.
Tham gia đoàn còn có Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Liên bang Đức Đoàn Xuân Hưng và Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Frankfurt Nguyễn Hồng Lĩnh.
Hội nghị thượng đỉnh G20 được tổ chức từ ngày 7-8/7 tại thành phố Hamburg, Cộng hòa liên bang Đức với chủ đề năm nay là “Định hình một thế giới kết nố.”
Hội nghị có ba trọng tâm nghị sự: Tạo dựng nền tảng tự cường; tăng cường tính bền vững; tăng cường trách nhiệm.
Với tư cách là chủ nhà APEC 2017, Việt Nam được mời tham dự các hội nghị và cuộc họp trong khuôn khổ G20 trong năm 2017; tham gia thảo luận tại tất cả các phiên họp của Hội nghị thượng đỉnh và đóng góp ý kiến cho dự thảo Tuyên bố chung Hội nghị.
Việt Nam và Cộng hòa Liên bang Đức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 23/9/1975. Từ đó đến nay, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước ngày càng phát triển tích cực, sâu rộng, hiệu quả và toàn diện.
Từ nhiều năm nay, Đức là một trong những đối tác quan trọng nhất của Việt Nam ở châu Âu. Sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước ngày càng được tăng cường thông qua duy trì trao đổi đoàn cấp cao và các cơ chế hợp tác.
Trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Đức Angela Merkel (tháng 10/2011), Thủ tướng hai nước đã ký Tuyên bố chung Hà Nội về việc thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược.
Hiện nay, Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam ở châu Âu (chiếm gần 20% xuất khẩu của Việt Nam sang EU) và cũng là cửa ngõ trung chuyển quan trọng của hàng hóa Việt Nam sang các thị trường khác ở châu Âu./.
Theo Quang Vũ/TTXVN/Vietnam+
.