Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh vấn đề trên tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 năm 2022, diễn ra hôm nay (6/9). Tại phiên họp, nhiều nội dung quan trọng đã được đưa ra thảo luận như: Tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm, giải ngân đầu tư công...

 

leftcenterrightdel
 Thủ tướng Phạm Chính: Tuy chúng ta đạt được một số kết quả nhưng tình hình còn nhiều khó khăn, thách thức.  Ảnh:VGP

Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, trong tháng 8 và 8 tháng vừa qua, chúng ta thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh có nhiều biến động, nhiều yếu tố bất lợi. Kinh tế, chính trị quốc tế diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, nhất là xung đột Nga-Ukraine. Nhiều vấn đề an ninh phi truyền thống nổi lên, biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan hơn.

Đáng nói, dịch bệnh quay lại và diễn biến phức tạp hơn. Trước nhiều bất định, các quốc gia, khu vực kinh tế có những phản ứng chính sách chống dịch, chính sách tiền tệ… khác nhau. Thị trường xuất khẩu của Việt Nam bị thu hẹp, trong đó có các thị trường lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc…

Trong bối cảnh đó, chúng ta tiếp tục giải quyết đồng thời nhiều nhiệm vụ: Xử lý các vấn đề tồn đọng trong nội tại nền kinh tế, các dự án thua lỗ, kéo dài quy mô lớn, các tổ chức tín dụng yếu kém, một số dự án kéo dài đội vốn, lượng vốn nằm ở đây rất lớn, nếu không xử lý thì sẽ rất lãng phí; các nhiệm vụ thường xuyên cũng nặng nề hơn khi quy mô nền kinh tế lớn hơn, yêu cầu của nhân dân ngày càng cao, cạnh tranh giữa các nền kinh tế gay gắt hơn; các vấn đề đột xuất nhiều hơn do thị trường thu hẹp, liên quan giá dầu, biến động tỉ giá, lạm phát…

Cũng theo Thủ tướng, về kết quả, chúng ta tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát (CPI 8 tháng tăng 2,58%); thúc đẩy tăng trưởng; bảo đảm các cân đối lớn, giữ vững quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; tăng cường, củng cố đối ngoại phù hợp tình hình; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được tăng lên (số khách du lịch nội địa 8 tháng qua bằng cả năm 2019 là trước năm dịch bệnh bùng phát).

Tuy nhiên, tình hình còn nhiều khó khăn, thách thức do tình hình thế giới còn diễn biến phức tạp, sức ép lạm phát rất cao. Giải ngân đầu tư công chậm được cải thiện, đây là vấn đề kéo dài nhiều năm nhưng chưa có giải pháp tích cực, nhưng nguyên nhân cơ bản dàn trải, manh mún, chia cắt, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương chưa thực sự tập trung chỉ đạo, thủ tục hành chính còn rườm rà. Thu hút vốn FDI chưa được như kỳ vọng, trong đó yếu tố rất quan trọng là thu hút vào đâu và giải ngân thế nào. Hoạt động sản xuất kinh doanh trong một số lĩnh vực còn khó khăn, số doanh nghiệp rút lui và giải thể còn cao…

Do đó, thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu, cần tiếp tục thực hiện các trọng tâm chỉ đạo, điều hành đã được phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 xác định, gồm "4 ổn định" (ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; ổn định các loại thị trường, giá cả hàng hóa, dịch vụ; ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội); 3 "tăng cường" (tăng cường nắm tình hình, phản ứng chính sách kịp thời, linh hoạt, hiệu quả; tăng cường bảo đảm an sinh xã hội và công tác y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng, tiêm phòng vắc xin COVID-19; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nhất là trong hệ thống hành chính nhà nước); "2 đẩy mạnh" (đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, phát triển doanh nghiệp và tạo công ăn việc làm; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và công tác quy hoạch); "1 tiết giảm" là tiết kiệm triệt để, giảm mọi khoản chi tiêu không cần thiết; và "1 kiên quyết không" là không điều hành giật cục, chuyển trạng thái đột ngột.

leftcenterrightdel
 Thủ tướng nhấn mạnh cần giữ vững nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn. Ảnh:VGP

Về nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu làm tốt công tác phòng, chống dịch, đặc biệt là tiêm vắc xin bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả, khắc phục bằng được tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế.

Giữ vững nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; phối hợp hài hòa, hợp lý, đồng bộ, chặt chẽ, linh hoạt, hiệu quả giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác. Xây dựng các kịch bản dự báo về tăng trưởng, lạm phát, các cân đối lớn.

Đặc biệt, đẩy mạnh chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, giải ngân vốn đầu tư công, 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Cương quyết cắt giảm các thủ tục rườm rà, các dự án dàn trải, điều chuyển vốn từ những dự án chậm, kém hiệu quả sang các dự án bảo đảm tiến độ. Trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục rà soát lại, Thanh tra Chính phủ vào cuộc ngay để tháo gỡ các vướng mắc trong thực tế, xử lý nghiêm các vi phạm liên quan tới việc bảo đảm nguyên, vật liệu cho các dự án hạ tầng chiến lược theo các nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ.

Tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy chuyển đổi số, kinh tế số, chuyển đổi xanh, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đổi mới sáng tạo. Về nội dung này, Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam là một trong những nước có tiềm năng lớn về năng lượng gió, năng lượng mặt trời.

Cùng với đó, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch - Đầu tư chủ trì, thúc đẩy tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Việt Nam; đề xuất thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô.

Chú trọng phát triển văn hóa, xã hội, môi trường, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân. Tập trung rà soát, hoàn thiện pháp luật, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; ban hành trong tháng 9 các nghị định về tổ chức bộ máy của các bộ, các ngành. Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng bộ máy hành chính trong sạch, vững mạnh. Giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh. 

Tại phiên họp, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, trong tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2022, những khó khăn, thách thức phải đối mặt rất lớn, song, nền kinh tế có xu hướng phục hồi ngày càng tích cực, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn. Đến nay, đã giải ngân 55.000 tỉ đồng trong chương trình phục hồi và phát triển.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đã báo cáo về tình hình kinh tế-xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2022; triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; phân bổ, giải ngân kế hoạch vốn ngân sách nhà nước năm 2022; thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.


Minh Nhật