leftcenterrightdel
 Toàn cảnh phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 13 khóa XII ngày 9/10/2020. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Tại Hội nghị, Trợ lý Thường trực Ban Bí thư Trung ương Lê Quang Vĩnh đã thông tin nhanh về kết quả Hội nghị lần thứ 13 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII và chuyên đề “Việc lấy ý kiến góp ý của nhân dân và tổng hợp ý kiến góp ý của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”.

Theo đó, trong 5 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, Hội nghị đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, thảo luận dân chủ, thẳng thắn, đóng góp nhiều ý kiến trí tuệ, xác đáng vào các báo cáo, đề án. Trung ương đã xem xét, thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, có giá trị vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, nhất là những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, cập nhật những vấn đề mới, những nội dung bổ sung, sửa đổi theo nguyên tắc: Báo cáo chính trị là báo cáo trung tâm, các báo cáo khác là báo cáo chuyên đề, chuyên sâu, phải đồng bộ, thống nhất.

Trung ương đã thảo luận, cân nhắc kỹ lưỡng, trách nhiệm và thống nhất cao với sự chuẩn bị của Bộ Chính trị về nhân sự; đã bỏ phiếu biểu quyết giới thiệu nhân sự tham gia Ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XIII.

“Công tác nhân sự được làm rất chặt chẽ, bài bản, khoa học, có kế thừa phương hướng nhân sự khóa trước; trong đó có quy định rõ độ tuổi tái cử Ủy viên Trung ương Đảng chính thức tính đến thời điểm Đại hội năm 2021 không quá 60 tuổi; với Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư là không quá 65 tuổi. Trường hợp đặc biệt sẽ do Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương xem xét quyết định trình Đại hội”, ông Lê Quang Vĩnh cho biết.

Theo ông Lê Quang Vĩnh, căn cứ ý kiến góp ý và kết quả Hội nghị Trung ương lần này, Bộ Chính trị sẽ chỉ đạo tiếp tục xem xét, bổ sung, hoàn thiện các phương án nhân sự theo đúng Phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII và Quy trình công tác nhân sự đã đề ra, báo cáo Trung ương xem xét, quyết định trước khi trình Đại hội XIII của Đảng.

Cũng tại Hội nghị, Quyền Vụ trưởng Vụ chính sách đối ngoại, Bộ Ngoại giao Nguyễn Thanh Hải đã thông tin chuyên đề:“ Những vấn đề mới đặt ra và định hướng chính sách đối ngoại trong giai đoạn phát triển mới của đất nước”.

Theo ông Nguyễn Thanh Hải, thế giới và khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang trải qua những biến động mới, chưa từng có từ trước đến nay, khiến thế giới bất định, bất ổn, khó lường; từ đó, tác động đến môi trường an ninh phát triển của thế giới và khu vực. Ông Nguyễn Thanh Hải đã đưa ra 5 vấn đề lớn nổi lên trong bối cảnh hiện nay. Đó là, đại dịch COVID-19, tình hình suy thoái kinh tế, cạnh tranh Mỹ-Trung, thách thức về an ninh, tình hình chung của khu vực.

Trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng trên, đặc biệt là tác động của đại dịch COVID-19, với tinh thần chủ động nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức, công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta đã được triển khai đồng bộ, hiệu quả, góp phần duy trì môi trường hòa bình, thu hút các nguồn lực cho phát triển, giữ vững chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và nâng cao hơn nữa vị thế đất nước trên trường quốc tế.

Theo ông Nguyễn Thanh Hải, trong vai trò là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021, Việt Nam tiếp tục nỗ lực thúc đẩy đối thoại, giảm căng thẳng, đối đầu, tìm giải pháp công bằng, hợp lý để giải quyết các vấn đề hòa bình, an ninh khu vực và quốc tế; thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc; tăng cường hợp tác giữa Liên hợp quốc với các tổ chức khu vực, đặc biệt là ASEAN.

Trên cương vị là Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam cùng các nước thành viên đang hết sức nỗ lực để xây dựng một khu vực hòa bình, hữu nghị và hợp tác, từng bước trở thành một Cộng đồng ngày một gắn kết về chính trị, liên kết về kinh tế và sẻ chia trách nhiệm xã hội. Việt Nam cam kết cùng các nước trong và ngoài khu vực duy trì, thúc đẩy hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; tuân thủ các nguyên tắc kiềm chế, tránh các hành động đơn phương làm phức tạp tình hình, giải quyết tranh chấp và khác biệt bằng các biện pháp hòa bình, bao gồm các tiến trình ngoại giao và pháp lý.

Theo TTXVN