Ngày  15.5, như thường lệ, lúc 7 giờ sáng tàu chúng tôi đã phát lệnh tập hợp lên boong. Lực lượng cảnh sát biển và các nhà báo sẵn sàng đối mặt với cuộc chiến. Các cửa sổ hầm tàu đều chốt chặt để chống súng bắn nước của tàu Trung Quốc (TQ). Mặc áo phao chỉnh tề, thuyền trưởng Lê Trung Thành lên đài chỉ huy liên lạc với các tàu cảnh sát biển 8003, 2013, 4032 của Cảnh sát biển Việt Nam (CSBVN) nhận lệnh cùng xuất phát.
 
 
Những nỗi niềm ở tiền phương
 
Sau 2 giờ làm nhiệm vụ, các tàu CSBVN bắt đầu dãn đội hình. Hôm nay đã là ngày thứ 4 của chuyến hải hành trên tàu chúng tôi. Mọi người ai cũng thấm mệt. Tuy vậy, các chiến sĩ CSB tỏ ra vẫn sung sức, dù thức trắng đêm canh phòng; ngày thì quần nhau với tàu TQ. Chỉ có đôi mắt ai cũng thâm quầng. 
 
Những dịp hiếm hoi mà cánh nhà báo sinh hoạt với các chiến sĩ trên một không gian hẹp là con tàu, mới có điều kiện hiểu được một phần vất vả hy sinh của các anh. 
 
Hằng ngày, 2 chiến sĩ Nguyễn Trung Thành và Nguyễn Trung Hưng dậy từ rất sớm vào bếp nấu, trong khi sóng gió ngoài biển mấy ngày nay cấp 4, cấp 5, đi lại khó khăn. Việc nấu nướng còn vất vả, các anh chỉ cười: “Đã quen rồi anh ạ! Đời lính chỉ lo nhất là hậu phương thôi!”.
 
Chiến sĩ trẻ Nguyễn Trung Thành cho biết, quê ở Nghi Lộc, Nghệ An. Đã 4-5 tháng nay chưa được về nhà. Bây giờ diễn biến sự việc trên biển rất phức tạp, khả năng kéo dài, chưa biết bao giờ mới về được thăm quê. 
 
Thành đã có vợ, 2 con rất mong muốn đưa gia đình vào Đà Nẵng để đoàn tụ, nhưng lương của người lính thì không biết bao giờ mới mua nổi đất đai, nhà cửa ở Đà Nẵng. 
 
Chàng pháo thủ Nguyễn Trung Hưng cũng kể: "Em vừa cưới vợ, rồi để cô ấy ở nhà rồi đi. Bây giờ vợ Hưng đã có bầu 8 tháng nhưng chưa có việc làm. Ước vọng lớn nhất của người lính luôn ở ngoài biển là ổn định nhà cửa, việc làm của vợ con ở hậu phương".
 
Ban ngày thì quần nhau với tàu TQ mệt nhoài, nhưng đêm xuống chúng tôi lên boong tàu, quả thật bình yên và thi vị. Giữa biển khơi, những câu chuyện đời tư và nỗi âu lo của người lính trẻ khiến tôi nặng lòng. 
 
Chàng lính trẻ tên Hiệp quê ở Nghệ An, nhưng từ ngày vào với CSB Vùng 2 nhận nhiệm vụ ở Quảng Nam, anh đã cưới vợ ở Quế Sơn (Quảng Nam), đến nay anh chưa có mái nhà ổn định, quanh năm theo con tàu lênh đênh trên biển. Vợ phải bỏ nghề may để chăm sóc 2 con nhỏ. Đồng lương thì ít ỏi nên khó chia sẻ cho nhu cầu đời sống vợ con ở nhà. 
 
Trong khi các chiến sĩ đang căng mình bảo vệ chủ quyền biển đảo của tổ quốc thì ở hậu phương, cả nước đang hướng về biển đảo, hướng về điểm nóng - với tất cả tấm lòng tin yêu, mong chiến sĩ của các lực lượng yên tâm làm nhiệm vụ cao cả.
 
Theo Lao động
.