(BVPL) - Trong Dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) có quy định bổ sung vấn đề tăng quyền, tăng trách nhiệm cho những người trực tiếp tiến hành tố tụng (Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán). Phóng viên báo Bảo vệ pháp luật đã có cuộc phỏng vấn ông Vũ Xuân Trường, Đại biểu Quốc hội, Thành viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khóa 13, nguyên Viện trưởng VKSND tỉnh Nam Định về vấn đề này.

 


Phóng viên: Xin ông cho biết những điểm mới liên quan đến vấn đề tăng thẩm quyền, trách nhiệm cho những người trực tiếp tiến hành tố tụng trong Dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi)?

Ông Vũ Xuân Trường: Dự thảo BLTTHS (sửa đổi) lần này đã thể chế hóa các quan điểm của Đảng và Nhà nước, trong đó phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan tiến hành tố tụng với người tiến hành tố tụng theo hướng những thẩm quyền có tính chất “đóng, mở” một giai đoạn tố tụng, những thẩm quyền liên quan tới hạn chế quyền con người, quyền công dân vẫn giao cho thủ trưởng Cơ quan điều tra và Viện trưởng VKSND quyết định. Còn hầu hết những thẩm quyền nhằm tổ chức thực hiện để điều tra xác minh làm sáng tỏ sự thật vụ án, ngăn chặn các hành vi dẫn tới làm oan sai và nhục hình… đều giao cho Điều tra viên và Kiểm sát viên trực tiếp quyết định. Tăng thẩm quyền cho Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa. Cụ thể:

Theo Điều 19 dự thảo Bộ luật TTHS (sửa đổi) thì ngoài các thẩm quyền theo Bộ luật TTHS hiện hành, đối với Điều tra viên còn bổ sung quyền: Lập hồ sơ thu thập thông tin, xác minh giải quyết thông tin về dấu hiệu tội phạm, trừ những người có liên quan (điểm a, khoản 1); quyền cấp, thu hồi giấy đăng ký bào chữa (điểm c, khoản 1); bổ sung quyền quyết định và dẫn giải với bị hại; giao người chưa thành niên để giám sát; công nhận việc tham gia tố tụng của những người được pháp luật quy định (điểm đ, khoản 1)…

Điều 24 dự thảo Bộ luật đã tăng thẩm quyền cho Kiểm sát viên trong các trường hợp: Kiểm sát viên tiếp nhận, giải quyết thông tin về dấu hiệu tội phạm; Trực tiếp giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố trong những trường hợp do luật định; Trực tiếp kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường, tử thi, nhận dạng, thực nghiệm điều tra; Kiểm sát việc tạm đình chỉ điều tra, kết thúc điều tra; Quyết định áp giải bị can, quyết định dẫn giải người làm chứng, bị hại; Cấp, thu hồi Giấy đăng ký bào chữa; Quyết định giao người chưa thành niên để giám sát; Công nhận người tham gia tố tụng theo luật định; Tiến hành tố tụng tại phiên tòa;….

Điều 27 Dự thảo Bộ luật cũng tăng thẩm quyền cho Thẩm phán trong việc cấp, thu hồi Giấy đăng ký bào chữa và một số thẩm quyền khác theo luật định như: xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm hành chính tại phiên tòa…

Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về sự đổi mới này?

Ông Vũ Xuân Trường: Theo quan điểm cá nhân tôi, đối với việc tăng thẩm quyền cho Điều tra viên, Kiểm sát viên và Thẩm phán trong dự thảo Bộ luật TTHS (sửa đổi) do VKSNDTC và Ban soạn thảo trình tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa 13 lần này nhằm cụ thể hóa và thực hiện đầy đủ các nguyên tắc chỉ đạo của Đảng về cải cách tư pháp như: Chủ trương “tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, thực hiện cơ chế gắn công tố với điều tra”; chủ trương thực hành quyền công tố ngay từ khi tiếp nhận giải quyết tin báo, tố giác tội phạm (giai đoạn tiền tố tụng) ngăn chặn các nguyên nhân dẫn tới oan sai, bỏ lọt tội phạm - thời điểm dễ dẫn tới hiện tượng bức cung, nhục hình.

Việc tăng thẩm quyền cho Điều tra viên, Kiểm sát viên và Thẩm phán trong dự thảo lần này còn thể hiện sự phân định rõ thẩm quyền quản lý hành chính, quản lý hành chính tư pháp với thẩm quyền tiến hành tố tụng của Thủ trưởng các cơ quan tiến hành tố tụng với các Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán trong từng vụ án cụ thể mà theo đó đề cao vai trò, trách nhiệm nhằm nâng cao tính chủ động, linh hoạt, sáng tạo và đặc biệt xóa bỏ được nhiều thủ tục hành chính tư pháp, bảo đảm tính kịp thời chỉ tuân theo pháp luật trong thực hiện nhiệm vụ của Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán.

Việc trao thẩm quyền cấp, thu hồi Giấy đăng ký bào chữa cho các Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán thay vì luật hiện hành giao cho lãnh đạo các cơ quan tố tụng nhằm tăng cường thiết chế dân chủ theo Hiến pháp năm 2013, tạo điều kiện thông thoáng về thủ tục cho người bào chữa.

Tóm lại, việc tăng thẩm quyền cho Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán thể hiện trong dự thảo Bộ luật TTHS (sửa đổi) lần này vừa thể hiện đầy đủ, kịp thời các chủ trương của Đảng, Nhà nước về cải cách tư pháp, đồng thời phù hợp với quan điểm sửa luật của Quốc hội là sửa luật nhằm khắc phục những nội dung còn hạn chế, bất cập trong thực tiễn thi hành của luật hiện hành. Tôi hoàn toàn nhất trí với những nội dung sửa đổi về tăng thẩm quyền cho Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán như đã phân tích trên.

Phóng viên: Việc tăng thẩm quyền cho Kiểm sát viên như trong dự thảo Bộ luật TTHS (sửa đổi) như trên liệu có ảnh hưởng hoặc trái với nguyên tắc “Viện kiểm sát nhân dân do Viện trưởng lãnh đạo…” (nguyên tắc thủ trưởng chế) trong ngành Kiểm sát hay không, thưa ông ?

Ông Vũ Xuân Trường: Tôi thấy việc tăng thẩm quyền cho Kiểm sát viên trong một số nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát tư pháp trong TTHS là không trái và không ảnh hưởng tới nguyên tắc “Thủ trưởng chế” trong ngành Kiểm sát vì:

Kiểm sát viên khi thực hiện nhiệm vụ trong TTHS, ngoài việc phải thực hiện sự lãnh đạo, quản lý của lãnh đạo Viện còn phải tuyệt đối tuân theo pháp luật.

Nếu Kiểm sát viên đưa ra các quyết định mà trái pháp luật thì theo khoản 1 Điều 7 và khoản 1 Điều 83 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 đã quy định: “Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân có trách nhiệm kiểm tra, xử lý nghiêm minh đối với vi phạm pháp luật của Kiểm sát viên…; có quyền rút, đình chỉ hoặc hủy bỏ các quyết định trái pháp luật của Kiểm sát viên…”.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!
 

Mai Hòa (thực hiện)

.