Số tiền cần để tăng lương tối thiểu là 65.000 tỷ đồng, trong khi đó, số tiền các tập đoàn kinh tế đã tham nhũng lên đến 95.000 tỷ đồng. Nhiều cử tri đã kiến nghị Chính phủ kiên quyết thu hồi số tiền tham nhũng để tăng lương theo đúng lộ trình.
 
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, đó là đề xuất không khả thi vì thu hồi đúng, đủ tiền tham nhũng thì chỉ có… "bắc thang lên hỏi ông trời".
 
"Đánh" tham nhũng xong, phải lấy lại tiền cho dân
 
Hơn 70 trong số hàng ngàn kiến nghị của cử tri cả nước gửi đến Quốc hội trong kỳ họp thứ 5 (tháng 6/2013) được chuyển tới Chính phủ, trong đó có nhiều cử tri tiếp tục đặt quan tâm vào công tác phòng chống tham nhũng. Văn bản trả lời của Chính phủ sau đó đã được gửi để tập hợp, báo cáo cử tri.
 
Về án tham nhũng, Chính phủ nhận định, trong những năm qua, tội phạm tham nhũng diễn biến phức tạp xảy ra ở hầu hết các địa phương và các lĩnh vực kinh tế - xã hội, gây bức xúc, lo lắng trong dư luận và được cử tri cả nước quan tâm. Cử tri tỉnh An Giang bày tỏ băn khoăn, lo lắng về tình trạng các tập đoàn kinh tế lớn làm ăn thua lỗ, nợ nần, phá sản, một số cán bộ tiêu cực, tham nhũng làm thất thoát tiền của Nhà nước hàng trăm tỷ đồng. Cử tri đặt câu hỏi, Đảng và Nhà nước xử lý ra sao về việc này, trách nhiệm lãnh đạo bộ chủ quản như thế nào?
 
 
Cử tri so sánh, theo luật người dân chỉ vi phạm 2 triệu đồng thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự, số tiền cần để tăng lương theo lộ trình cho cán bộ, công chức (1,350.000 đồng/mức lương tối thiểu) chỉ có 65.000 tỷ đồng, trong khi đó số tiền các tập đoàn kinh tế đã tham nhũng lên đến 95.000 tỷ đồng(?).
 
Cử tri đề nghị Chính phủ có biện pháp xử lý mạnh hơn, kịp thời và công bằng, có kế hoạch giám sát các ngành chức năng kiểm điểm về góc độ quản lý Nhà nước và kiên quyết thu hồi số tiền tham nhũng để tăng lương theo lộ trình cho cán bộ, công chức, đồng thời công khai để nhân dân biết.
 
Cử tri An Giang, Đồng Nai, Bắc Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu và Sóc Trăng kiến nghị Quốc hội giám sát chặt chẽ vấn đề sử dụng tài chính, ngân sách, cơ sở vật chất, việc thanh toán nợ, xử lý các vụ việc gây thất thoát và tái cấu trúc đối với các tập đoàn, tổng công ty nhằm ngăn chặn, xử lý những sai phạm để khắc phục có hiệu quả tình trạng thất thoát lớn vốn, tài sản Nhà nước.
 
Với kiến nghị này, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội hồi âm, năm 2014 Quốc hội sẽ giám sát việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp Nhà nước và hệ thống ngân hàng. Trong chuyên đề giám sát này cũng sẽ đề cập đến vấn đề doanh nghiệp Nhà nước và phần đầu tư từ các doanh nghiệp.
 
Tại cuộc tiếp xúc cử tri Đà Nẵng mới đây, Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh thông báo trong tháng 12 sẽ đưa các vụ "đại án" tham nhũng ra xét xử. Ông Thanh cho rằng, đây là "cú đấm" mở màn cho cuộc chiến chống tham nhũng đầy cam go và thách thức. Và đặc biệt là phải thu hồi được đồng tiền tham nhũng trả lại cho dân như ước nguyện của cử tri.
 
Tuy nhiên, theo luật sư Phạm Văn Phất (đoàn Luật sư Hà Nội),  về mặt nguyên tắc, các vụ án tham nhũng khi đưa ra xét xử, hậu quả gây ra buộc phải khắc phục. Tuy nhiên, thường khi bị phát hiện tham nhũng thì hành vi của tội phạm đã xảy ra từ lâu. Quá trình điều tra, truy tố xét xử chỉ là giai đoạn chứng minh. Vụ án xảy ra đã nhiều năm, việc thu hồi tài sản bị chiếm đoạt đạt 100% không phải chuyện dễ dàng".
 
Phá được án tham nhũng quá ít, thu được tiền tham nhũng còn ít hơn - Ảnh minh hoạ.
Phá được án tham nhũng quá ít, thu được tiền tham nhũng còn ít hơn - Ảnh minh hoạ.
 
Không thể “bắc nước chờ gạo”
 
Theo báo cáo công tác phòng chống tham nhũng của Thanh tra Chính phủ, việc thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng đạt tỉ lệ rất thấp. Trong kỳ báo cáo, số vụ án tham nhũng gây thiệt hại khoảng 9.260 tỷ đồng, 51.000 lượng vàng SJC và 155.000m2 đất, nhưng mới chỉ thu hồi nộp ngân sách Nhà nước trên 900 tỷ đồng, đạt dưới 10% số tiền, tài sản tham nhũng phải thu hồi.
 
Trên thực tế, phá được án tham nhũng quá ít, thu được tiền tham nhũng còn ít hơn. Cho nên, sự lên tiếng của cử tri về việc thu hồi tiền tham nhũng để tăng lương là một điều rất cần được chú trọng để có biện pháp thực hiện hiệu quả.
 
Trao đổi với PV, đại biểu Quốc hội Bùi Thị An (đoàn Hà Nội) cho rằng: "Tiền tham nhũng lấy của Nhà nước, lấy của dân phải trả lại cho Nhà nước, trả lại cho dân. Thu tiền tham nhũng xong tiêu vào việc gì lại hoàn toàn khác. Tiền của Nhà nước thực chất là tiền của dân giao cho Nhà nước quản, tiền mồ hôi nước mắt của dân, vì thế tiền thất thoát, tham nhũng phải thu hồi lại cho dân và phải lấy đến cùng. Quan điểm của tôi, tiền tham nhũng, thất thoát phải xử lý đến nơi đến chốn, phải quy trách nhiệm cá nhân đến cùng. Tuy nhiên, tôi không đồng ý với kiến nghị thu hồi tiền tham nhũng để tăng lương. Không nên đánh đồng việc thu tiền tham nhũng với việc tăng lương theo đúng lộ trình. Việc tăng lương có thể lấy từ nhiều nguồn khác nhau chứ không thể trông chờ thu hồi tiền tham nhũng".
 
Cũng theo bà An, kẻ phạm tội tham nhũng chịu tuyên phạt mức án cao, không còn cơ hội trở về với gia đình hay mức án tử hình thì chẳng còn gì để mất. Việc cử tri kiến nghị thu hồi tiền tham nhũng để tăng lương tối thiểu cũng chỉ là "ngôn ngữ hình ảnh" và mong muốn phải đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng.
 
Ông Lê Văn Cuông - nguyên đại biểu đoàn Thanh Hoá nhận định: "Cử tri các tỉnh kiến nghị như vậy mang tính chất nhắc nhở, đôn đốc các cấp chính quyền, cơ quan chức năng về vấn đề chống tham nhũng phải quyết liệt, triệt để, làm thế nào đó để tiền mà họ tham nhũng không bị thất thoát và tăng nguồn thu cho ngân sách. Tiền thu từ tham nhũng góp phần cải thiện đời sống cán bộ công chức và các đối tượng chính sách.
 
Theo định hướng cải cách tiền lương, Trung ương cũng đã có nghị quyết về cải cách chế độ tiền lương nhưng trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn hiện nay, tệ tham nhũng hoành hành khiến cho nguồn ngân sách Nhà nước đã còm cõi, khó khăn lại càng chồng chất khó khăn. Trong khi đó, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng chưa đạt hiệu quả, chỉ bắt được những "con sâu nhỏ", tiền tham nhũng rất lớn nhưng phát hiện ra thấp. Các vụ phát hiện ra, tiền thất thoát, phân tán, không thu hồi được bao nhiêu. Theo tôi được biết, tiền tham nhũng thu hồi được chỉ đạt chưa đến 10%  nên các cử tri sốt ruột, bất bình".
 
Theo ông Cuông: "Vấn đề thu hồi tiền tham nhũng và tiền lương là hai việc khác nhau. Thực tế hiện nay, tiến độ giải quyết chế độ tiền lương rất chậm, trượt giá hàng năm 7 - 8% nên đời sống công nhân viên chức, nhất là đối tượng hưu trí, chính sách không được cải thiện. Lộ trình tăng lương theo nghị quyết Trung ương là phải thực hiện chứ không thể nói thu tiền tham nhũng để tăng lương theo đúng lộ trình. Theo tôi, để tăng lương theo đúng lộ trình, điều quan trọng là phải tìm mọi cách thúc đẩy phát triển sản xuất, thu ngân sách đảm bảo, có biện pháp ngăn chặn lãng phí, tham nhũng. Phải có giải pháp đồng bộ mới cải cách tiền lương".
 
Đã xử lý 52 lãnh đạo do tham nhũng
 
"Tại Diễn đàn đối tác phát triển Việt Nam (VDPF) diễn ra sáng 5/12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho hay, trong 3 năm qua, thanh tra đã phát hiện 319 vụ việc với 517 cá nhân có hành vi liên quan đến tham nhũng. Cụ thể, kiến nghị thu hồi 485,5 tỷ đồng và đã thu được 139 tỷ đồng; kiến nghị xử lý hành chính 17 tập thể và 218 cá nhân. Đã chuyển cơ quan điều ra 111 vụ và 235 cá nhân; xử lý trách nhiệm 52 người đứng đầu. Bước sang năm 2014 - 2015, Thủ tướng tuyên bố sẽ thực hiện nghiêm pháp luật về phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đồng thời, đề cao tính minh bạch, công khai, trách nhiệm giải trình trong thực thi công vụ và trách nhiệm của người đứng đầu".

 

Theo Nguoiduatin.vn