(BVPL) - Đó là một trong nhiều nội dung của Báo cáo tóm tắt công tác của Viện trưởng VKSNDTC được Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí trình bày trước Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 2.
Nghiêm túc triển khai các Nghị quyết của Đảng và Quốc hội
|
Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí trình bày trước Quốc hội Báo cáo tóm tắt công tác của Viện trưởng VKSNDTC. |
Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí khẳng định, ngay từ đầu năm, Viện trưởng đã ban hành chỉ thị, kế hoạch công tác trọng tâm toàn Ngành năm 2016; ban hành 03 chỉ thị chuyên đề để tập trung chỉ đạo 03 nhiệm vụ trọng tâm là: Nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa, tăng cường công tác kháng nghị án hình sự và đẩy nhanh tiến độ giải quyết đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm. Đồng thời, chỉ đạo tiếp tục thực hiện nghiêm túc các chỉ thị đã ban hành nhằm tăng cường trách nhiệm công tố, thực hiện tốt nhiệm vụ chống oan, sai, bỏ lọt tội phạm; khẩn trương quán triệt, chỉ đạo toàn Ngành thống nhất triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, hoàn thành và vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ theo yêu cầu trong các nghị quyết của Quốc hội, góp phần quan trọng vào công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật.
Đối với công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố: toàn Ngành đã kiểm sát chặt chẽ 100% các hồ sơ và quyết định giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm; thực hành tốt hơn quyền công tố, bảo đảm việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố đúng pháp luật. Thực hiện tốt nhiệm vụ này đã góp phần hạn chế việc bỏ lọt tội phạm và oan sai ngay từ giai đoạn đầu của hoạt động tố tụng.
Trách nhiệm thực hành quyền công tố tiếp tục được tăng cường, gắn chặt hơn với hoạt động điều tra; số lượng, chất lượng yêu cầu điều tra được nâng lên; thận trọng, chủ động phúc cung để làm rõ chứng cứ buộc tội, gỡ tội, nhất là đối với các vụ án phức tạp, đặc biệt nghiêm trọng,… qua đó, góp phần đẩy nhanh tiến độ giải quyết án, tỷ lệ truy tố đúng thời hạn đạt 99,99%, vượt 9,99% so với chỉ tiêu Nghị quyết số 37; chất lượng truy tố được nâng lên, giảm đáng kể tỷ lệ trả hồ sơ để điều tra bổ sung (3,67%); chất lượng giải quyết án của Viện kiểm sát tiếp tục đạt cao, tỷ lệ truy tố đúng tội danh đạt 99,9%, vượt 4,9% so với chỉ tiêu Nghị quyết số 37.
Viện trưởng VKSNDTC đã ban hành Chỉ thị số 09/CT-VKSTC ngày 06/4/2016 về nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa; xây dựng, thực hiện Quy tắc về ứng xử của Kiểm sát viên tại phiên tòa; phối hợp với Toà án lựa chọn, tổ chức 3.973 phiên tòa để rút kinh nghiệm; tổ chức nhiều phiên tòa truyền hình trực tuyến đến các đơn vị, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Ngành để học tập, trao đổi và rút kinh nghiệm; và thông qua các vụ án có sai phạm, tổng hợp ban hành 400 thông báo rút kinh nghiệm nhằm nâng cao kỹ năng, chất lượng công tác trong toàn Ngành; tháng 9/2016, đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn Ngành kiểm sát rút kinh nghiệm các bản án hình sự VKSND truy tố, Tòa án tuyên bị cáo không phạm tội hoặc hủy án để điều tra, xét xử lại. Thực hiện chỉ đạo của Viện trưởng yêu cầu Kiểm sát viên thực hành quyền công tố tại phiên tòa phải nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, tích cực tham gia xét hỏi, chủ động tranh tụng để làm rõ bản chất vụ án; từ đó quan điểm, đề xuất của Kiểm sát viên là có căn cứ, đúng pháp luật nên nhìn chung được Hội đồng xét xử chấp nhận.
Ngành Kiểm sát đã thực hiện nghiêm các biện pháp theo Chỉ thị của Viện trưởng VKSNDTC về tăng cường công tác kháng nghị án hình sự nên chất lượng kháng nghị án hình sự được nâng cao; tỷ lệ kháng nghị phúc thẩm hình sự được Tòa án chấp nhận đạt 78,4%, tăng 5,4%, vượt 7,8% so với Nghị quyết số 37 của Quốc hội; tỷ lệ kháng nghị giám đốc thẩm hình sự được Tòa án chấp nhận đạt 93,2%, tăng 6,7% , vượt 23,2% so với chỉ tiêu Nghị quyết số 37 của Quốc hội.
Trong năm 2016, Cơ quan điều tra VKSNDTC đã thụ lý 169 tố giác, tin báo về tội phạm thuộc thẩm quyền; đã giải quyết 126 tố giác, tin báo; ra quyết định khởi tố 30 vụ án hình sự, trong đó có 16 vụ án tham nhũng trong hoạt động tư pháp; thụ lý điều tra 46 vụ/43 bị can, trong đó có 35 vụ/38 bị can về tham nhũng, chức vụ trong hoạt động tư pháp (76%); đã xử lý 31 vụ/24 bị can, trong đó: kết thúc điều tra đề nghị truy tố 20 vụ/ 24 bị can, đình chỉ 01 vụ, tạm đình chỉ điều tra 05 vụ, chuyển hoặc nhập 05 vụ. Ban hành 61 kiến nghị yêu cầu các cơ quan tư pháp xử lý và áp dụng các biện pháp phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm .
Chú trọng thực hiện nhiệm vụ chống oan, sai
Báo cáo của Viện trưởng chỉ rõ, toàn ngành Kiểm sát đã triển khai, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 07/12/2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp nâng cao tỷ lệ phát hiện, tiến độ, chất lượng xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng và việc thu hồi tiền, tài sản bị chiếm đoạt; chú trọng phát hiện, điều tra các vụ án tham nhũng thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra VKSNDTC. Đồng thời thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, VKSNDTC đã chủ động phối hợp với Bộ Công an, TANDTC và Ban Nội chính Trung ương thực hiện nhiều biện pháp tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động tư pháp, nhất là trong đấu tranh chống tội phạm; giải quyết dứt điểm, nghiêm minh nhiều vụ việc, vụ án nghiêm trọng, phức tạp, nhất là các vụ án trọng điểm về tham nhũng, kinh tế và các vụ án có khiếu kiện về oan, sai nhiều năm. Đồng thời chủ trì hoặc phối hợp tham gia xây dựng các thông tư liên tịch để tăng cường công tác hướng dẫn nghiệp vụ hoặc tháo gỡ những vướng mắc trong hoạt động tố tụng.
Ngành Kiểm sát tiếp tục chỉ đạo, thực hiện đồng bộ các giải pháp chống oan, sai ngay từ giai đoạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và trong suốt quá trình điều tra, truy tố, xét xử; tổ chức hội nghị trực tuyến đến VKS cấp huyện để rút kinh nghiệm về các trường hợp oan, sai. Tập trung chỉ đạo thực hiện các biện pháp nhằm tăng cường trách nhiệm công tố; tăng cường công tác hỏi cung trong quá trình kiểm sát điều tra và nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa; kịp thời phát hiện vi phạm pháp luật, thiếu sót trong các bản án sơ thẩm; đồng thời, kiện toàn tổ chức, tăng cường các nguồn lực cho các VKSND cấp cao để làm tốt công tác giải quyết đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, nhất là đơn khiếu nại kéo dài về những vụ án có dấu hiệu oan, sai để kịp thời kháng nghị khắc phục. VKSNDTC tích cực, chủ động phối hợp với TANDTC, Bộ Công an thu thập tài liệu, thẩm tra, giải quyết dứt điểm một số vụ án đặc biệt nghiêm trọng có mức án trên 20 năm tù, tù chung thân, tử hình có đơn kêu oan (vụ Trần Văn Vót, vụ Huỳnh Văn Nén); chú trọng nắm thông tin, quản lý chặt chẽ tình hình oan, sai, nhất là các trường hợp khiếu nại kéo dài, báo chí đưa tin; kịp thời chỉ đạo giải quyết minh oan cho người bị oan, xử lý nghiêm cán bộ lãnh đạo, Kiểm sát viên có sai phạm dẫn đến oan, sai.
Công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự, thi hành án dân sự, giải quyết và kiểm sát việc giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp đạt hiệu quả hơn. Viện kiểm sát các cấp chủ động kiểm sát chặt chẽ các hoạt động tư pháp trên, nhất là hoạt động dễ phát sinh vi phạm pháp luật, đã phát hiện nhiều vi phạm pháp luật, ban hành 9.199 văn bản kiến nghị, kháng nghị yêu cầu các cơ quan tư pháp, cơ quan hữu quan hoặc ra quyết định hủy bỏ những văn bản tố tụng trái pháp luật, phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm; nội dung các kiến nghị, kháng nghị có căn cứ pháp luật, tính xác thực cao nên tỷ lệ chấp nhận đạt 98,8%, vượt 18,8% so với chỉ tiêu Nghị quyết số 111 của Quốc hội, góp phần quan trọng chấn chỉnh và bảo đảm hoạt động tư pháp tuân thủ đúng pháp luật, quyền con người, quyền công dân được tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm.
Tập trung triển khai quán triệt và thi hành các đạo luật mới về tư pháp
Quán triệt, thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, VKSNDTC đã sớm chỉ đạo và tổ chức triển khai thi hành 07 đạo luật về tư pháp; đã tổ chức Hội nghị toàn Ngành quán triệt thực hiện các nghị quyết của Quốc hội và Chỉ thị của Viện trưởng VKSNDTC nhằm bảo đảm thực hiện thống nhất, đồng bộ các nhiệm vụ về thi hành luật; tổ chức triển khai thi hành các luật từ trung ương đến cơ sở; tổ chức các hội nghị tập huấn, bồi dưỡng chuyên sâu để quán triệt những nội dung mới của luật; rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới các thông tư liên tịch, nghị quyết, các quy chế nghiệp vụ, quy chế phối hợp; hướng dẫn áp dụng quy định mới; bổ sung, hoàn thiện hệ thống mẫu văn bản tố tụng nghiệp vụ, sổ sách nghiệp vụ…; đồng thời, chủ động tham mưu cho 49/63 tỉnh ủy, thành ủy ban hành chỉ thị về thi hành các đạo luật mới về tư pháp tại địa phương.
Cùng với công tác triển khai thi hành luật, VKSNDTC chủ động rà soát những quy định mới trong các đạo luật về tư pháp; tích cực phối hợp tham gia xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 2015, Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); chủ trì và phối hợp với các bộ, ngành hữu quan nghiên cứu, xây dựng nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác.
Tuy nhiên vẫn còn một số đơn vị chưa kiểm sát chặt chẽ, kịp thời việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm. Tại một số Viện kiểm sát, số kháng nghị chiếm tỷ lệ thấp so với số bản án bị sửa, hủy; hiệu lực, hiệu quả nhiều bản kiến nghị chưa cao. Tỷ lệ giải quyết đơn yêu cầu thực hiện trách nhiệm bồi thường của Nhà nước thuộc thẩm quyền chưa đạt yêu cầu. Một số cán bộ vi phạm quy chế nghiệp vụ, vi phạm pháp luật phải xử lý kỷ luật. Tại Hội nghị giao ban 6 tháng đầu năm 2016, Viện trưởng VKSNDTC đã chỉ đạo tăng cường công tác kháng nghị các khâu công tác ở các cấp để khắc phục những tồn tại trên.
Cần tăng cả về số lượng và chất lượng Điều tra viên
Bên cạnh đó, để chống bỏ lọt tội phạm, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định trách nhiệm của VKSND trực tiếp giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố trong một số trường hợp, như: phát hiện Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong hoạt động kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố hoặc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm mà Viện kiểm sát đã yêu cầu bằng văn bản nhưng không được khắc phục. Đặc biệt, theo quy định tại Điều 44 Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015, Công an xã, phường, thị trấn có quyền tiếp nhận, xác minh ban đầu tố giác, tin báo về tội phạm. Do vậy, ngoài các đơn vị như hiện nay thì VKSND cấp huyện còn phải kiểm sát việc tiếp nhận, xác minh ban đầu tố giác, tin báo về tội phạm tại hơn 11.000 xã, phường, thị trấn nên phạm vi trách nhiệm thực thi lớn hơn nhiều so với trước đây.
Để chống tham nhũng, tiêu cực và các tội xâm phạm hoạt động tư pháp, theo Bộ luật hình sự 2015 và Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015 quy định trách nhiệm của Cơ quan điều tra VKSNDTC rất nặng nề, áp lực rất lớn, Cơ quan điều tra VKSNDTC chỉ được thành lập ở cấp Trung ương, không có nhiều đầu mối, không có lực lượng trinh sát, “chân rết” nhưng địa bàn hoạt động từ cấp tỉnh, huyện đến hơn 11.000 xã, phường trong cả nước. Do vậy, trong thời gian tới, khối lượng công việc có thể tăng lên đột biến, đây là thách thức lớn đối với Cơ quan điều tra VKSNDTC, cần phải tăng cả về số lượng, chất lượng Điều tra viên. Trong khi cơ chế chính sách hiện nay rất khó tuyển chọn được người giỏi để thực hiện nhiệm vụ khó khăn này; mặt khác, do chưa được trang bị công cụ hỗ trợ, vũ khí cần thiết; chính sách chế độ lương, phụ cấp rất hạn chế so với các cơ quan điều tra chuyên trách khác.
Quán triệt thực hiện các nghị quyết của Đảng, của Quốc hội, năm 2017 ngành Kiểm sát tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm. Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 07/12/2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; tăng cường phát hiện, điều tra xử lý nghiêm các vụ án tham nhũng thuộc thẩm quyền điều tra của VKSNDTC. Tập trung xây dựng và thực hiện Đề án nâng cao năng lực Cơ quan điều tra VKSNDTC đáp ứng yêu cầu của Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015. Thực hiện nghiêm túc chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội; tích cực tham gia xây dựng dự án luật liên quan đến công tác của Ngành; phối hợp hiệu quả trong việc xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành luật, nhất là các đạo luật mới về tư pháp.
Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí cũng đưa ra một số kiến nghị quan trọng để Quốc hội xem xét trong kỳ họp này. Theo đó, tăng cường giám sát những lĩnh vực gây nhiều bức xúc trong xã hội, bảo đảm các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước được thực hiện nghiêm minh, hiệu quả. Đặc biệt trong việc tái cơ cấu nền kinh tế, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước; chống lãng phí, thất thoát tài sản trong đầu tư công; trong các lĩnh vực tài chính ngân hàng; quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản, bảo vệ môi trường; an toàn vệ sinh thực phẩm,… bảo đảm công khai, minh bạch trong sử dụng ngân sách nhà nước, đầu tư công và sự phát triển đất nước nhanh, bền vững. Chỉ đạo cơ quan tiến hành tố tụng lựa chọn, xác định các vụ án xảy ra trong các lĩnh vực trên làm án trọng điểm để điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh, đồng thời răn đe, giáo dục phòng ngừa chung.
Tiếp tục giám sát thực hiện nhiệm vụ chống oan, sai; đồng thời, quan tâm giám sát thực hiện nhiệm vụ chống bỏ lọt tội phạm, nhất là tội phạm về tham nhũng, chức vụ và kinh tế. Kiến nghị Quốc hội nghiên cứu ban hành nghị quyết chống bỏ lọt tội phạm để góp phần phòng ngừa, phát hiện tội phạm và phòng, chống tiêu cực trong cơ quan bảo vệ pháp luật các cấp.
Cùng với đó, Viện trưởng cũng kiến nghị Quốc hội xem xét có cơ chế chính sách về tiền lương, phụ cấp phù hợp với tính chất công tác đặc thù của Ngành; bảo đảm điều kiện về cơ sở vật chất, trụ sở làm việc, trang thiết bị thiết thực để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, nhất là các nhiệm vụ mới.
Đức Thắng