Sau khi áp thấp nhiệt đới suy yếu, bão Haiyan sẽ vào biển Đông trong đêm mai (8/11) với sức gió mạnh cấp 17, giật trên cấp 17.
 
Bão mạnh cấp 17
 
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, lúc 7 giờ ngày 7/11, vị trí tâm bão Haiyan ở vào khoảng 8,7 độ Vĩ Bắc; 132,8 độ Kinh Đông, cách đảo Min - Đa - Nao (Philippin) khoảng 730km về phía Đông.
 
Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 17 (tức là từ 202 đến 221 km một giờ), giật trên cấp 17.
 
Bão Haiyan đang tiến vào biển Đông với sức gió mạnh cấp 17, giật trên cấp 17 (Ảnh: NCHMF)
Bão Haiyan đang tiến vào biển Đông với sức gió mạnh cấp 17, giật trên cấp 17 (Ảnh: NCHMF)
 
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển nhanh theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 30 - 35km.
 
Đến 7 giờ ngày 8/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 10,9 độ Vĩ Bắc; 126,0 độ Kinh Đông, trên vùng bờ biển phía Đông Nam Philippin.
 
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 17 (tức là từ 202 đến 221 km một giờ), giật trên cấp 17.
 
Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển nhanh theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 35km.
 
Đến 7 giờ ngày 9/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 13,0 độ Vĩ Bắc; 117,0 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 350km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 14, cấp 15 (tức là từ 150 đến 183 km một giờ), giật trên cấp 17.
 
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, từ đêm 8/11, vùng biển phía Đông Biển Đông gió mạnh dần lên cấp 9, cấp 10, sau tăng lên cấp 12, cấp 13, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 14, cấp 15, giật trên cấp 17. Biển động dữ dội.
 
Không có bão vào TP.HCM
 
Bản tin cuối cùng của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương phát lúc 23h30 ngày 6/11 cho thấy, lúc 23 giờ ngày 6/11, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 11,3 độ Vĩ Bắc; 108,2 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh Khánh Hòa - Bình Thuận. Dự báo trong 12 giờ tới, vùng áp thấp này di chuyển về phía Tây sau đó suy yếu và tan dần.
 
Như vậy, áp thấp nhiệt đới đã không mạnh lên thành bão số 13 như dự báo ban đầu. Nhiều bạn đọc thắc mắc về công tác dự báo của cơ quan khí tượng, khiến người dân thành phố nhốn nháo chạy bão, học sinh nghỉ học khiến cuộc sống đảo lộn.
 
 Người dân TP HCM nghỉ làm sớm để chạy bão chiều 6/11 (Ảnh: VietNamNet)
Người dân TP HCM nghỉ làm sớm để chạy bão chiều 6/11 (Ảnh: VietNamNet)
 
Trao đổi với báo chí vào trưa ngày 5/11 - thời điểm trước khi áp thấp đi vào đất liền 1 ngày, ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương và ông Vũ Anh Tuấn, Trưởng phòng dự báo khí tượng hạn ngắn cho biết, áp thấp nhiệt đới này bị bão Haiyan “đuổi” nên có tốc độ di chuyển rất nhanh (30km/h), cơ quan khí tượng đã phát đi bản tin cảnh báo rất sớm để các địa phương chủ động phòng tránh.
 
Về việc cơ quan khí tượng dự báo áp thấp có thể mạnh lên thành bão, ông Tuấn cho biết, trong quy chế báo bão, nếu là áp thấp nhiệt đới thì cơ quan khí tượng chỉ phát dự báo đến 24 giờ, nhưng do tính chất nguy hiểm nên bắt buộc phải nâng lên để cảnh báo sớm nhất cho người dân biết và phòng tránh.
 
“Cường độ bão, áp thấp khó xác định. Bình thường theo lý thuyết thì vào môi trường nào đó nó mới mạnh lên được. Áp thấp này có thể mạnh lên thành bão nhưng cũng có thể yếu đi, chúng tôi nhận định là đưa ra tình huống xấu nhất để cảnh báo”, ông Tuấn nói.
 
Theo ông Tuấn, tổ chức khí tượng thế giới quy định các nước tùy theo điều kiện, tùy theo lĩnh vực, vĩ độ ảnh hưởng để đưa ra dự báo cấp gió là bao nhiêu, nếu cơ quan khí tượng Việt Nam xác định gió mạnh cấp 8 thì là bão nhưng cơ quan khí tượng Nhật Bản xác định gió mạnh cấp 7 thì nó vẫn là áp thấp nhiệt đới.
 
Theo Vietnamnet
.