(BVPL) - Dự án Luật Công chứng (sửa đổi) dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6. Xung quanh vấn đề này, báo BVPL có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Phạm Ý Nhi (ảnh bên) - Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội), hiện là Bí thư Đảng ủy kiêm Giám đốc Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội).
Bà Nguyễn Phạm Ý Nhi: Luật Công chứng được Quốc hội 12 thông qua ngày 29/11/2006 đến nay chưa đầy 8 năm. Tuy chưa đáp ứng so với yêu cầu phát triển của xã hội song đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Đó là bước đầu đã thực hiện xã hội hóa công tác công chứng, xây dựng được mạng lưới công chứng rộng khắp trong cả nước với trên 700 tổ chức hành nghề, 1.327 Công chứng viên; chỉ tính từ tháng 7/2007 đến nay đã thực hiện gần 7 triệu việc công chứng các loại, giúp việc công chứng của người dân thuận lợi hơn. Hoạt động công chứng đang từng bước hòa nhập với các tổ chức công chứng quốc tế.
Tuy nhiên, cùng với kết quả, lĩnh vực công chứng cũng đang bộc lộ nhiều yếu kém, bất cập trên nhiều mặt. Theo tôi, chủ yếu là do chất lượng đội ngũ Công chứng viên chưa đảm bảo (về đạo đức, nghiệp vụ); công tác quản lý nhà nước về cơ sở vật chất phục vụ nghiệp vụ công chứng chưa đầy đủ như: phần mềm công nghệ thông tin phục vụ việc kiểm tra các dữ liệu về nhân thân người yêu cầu công chứng, đặc biệt là các dữ liệu về nhà đất… nên đã gây ra không ít sai sót như: một mảnh đất, một ngôi nhà chuyển nhượng mua bán 2 lần mà Công chứng viên vẫn “vô tư” xác nhận công chứng, gây thiệt hại cho người dân, làm giảm lòng tin trong xã hội… Chính vì vậy, cần sớm sửa đổi, bổ sung một cách cơ bản và toàn diện Luật Công chứng năm 2006 theo tinh thần Nghị quyết số 48/NQ-TW và Nghị quyết số 49/NQ-TW của Bộ Chính trị theo hướng cùng với việc mở rộng phạm vi công chứng phải nâng cao tiêu chuẩn chất lượng Công chứng viên, đề cao vai trò quản lý của Nhà nước và vai trò tự quản của tổ chức xã hội nghề nghiệp.
PV: Được biết, TP. Hà Nội, năm 2011 đã xảy ra trường hợp một Công chứng viên có học vị Tiến sỹ luật, song đã công chứng xác nhận cho một người bán mảnh đất 2 lần khiến dư luận bất bình, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã phải vào cuộc điều tra. Tháng 7/2013 vừa qua, chính vị Công chứng viên này lại xác nhận công chứng cho một hộ khác chuyển nhượng một căn hộ chung cư trong khi căn hộ này đã được bán hợp pháp cho người khác từ năm trước; Khi bị báo chí phát hiện, vị Công chứng viên này lại biện bạch là đã làm hết sức mình và luật không bắt buộc Công chứng viên phải kiểm tra các dữ liệu nhà đất trên mạng nên “phủi” trách nhiệm?
Bà Nguyễn Phạm Ý Nhi: Theo Luật Công chứng năm 2006, Công chứng viên dù ở Văn phòng công chứng mô hình như doanh nghiệp tư nhân nhưng do được Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm nên chữ ký công chứng của họ có giá trị pháp lý cao, là văn bản không cần chứng minh, trừ trường hợp bị Tòa án tuyên là vô hiệu. Khi xảy ra sai sót, dù là nguyên nhân nào thì vẫn thuộc trách nhiệm của Công chứng viên đã thiếu kiểm tra trước khi hạ bút ký. Điều 3 Luật Công chứng năm 2006 đã quy định rõ trách nhiệm của Công chứng viên là: “Phải khách quan trung thực; Chịu trách nhiệm trước pháp luật về văn bản công chứng”; còn dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) ngoài việc ghi như trên (chịu trách nhiệm trước pháp luật về văn bản công chứng) còn bổ sung nhấn mạnh thêm là: “Trong trường hợp gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật”.
Vận dụng vào trường hợp trên, nếu công chứng sai thì Công chứng viên không thể đổ tại khách quan mà phải nghiêm túc thấy trách nhiệm của mình, ngay lập tức có biện pháp ngăn chặn, khắc phục hậu quả. Nếu Công chứng viên có dấu hiệu móc nối, thông đồng để cùng “ăn chia” với đối tượng thực hiện hành vi phạm tội thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự; còn nếu do yếu kém nghiệp vụ thì phải bồi thường thiệt hại. Đồng thời, cơ quan quản lý (cụ thể là Bộ Tư pháp - người bổ nhiệm Công chứng viên) cũng cần phải xem xét lại tư cách đạo đức, trình độ của vị Công chứng viên này. Đây là dịch vụ công nên nếu có sai sót trong việc công chứng dù phải xử lý hình sự hay dân sự thì hậu quả vẫn rất lớn, ảnh hưởng trên nhiều mặt, không gì so sánh được. Chính vì vậy, góp ý vào dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi), chúng tôi nhấn mạnh về tiêu chuẩn Công chứng viên và cần đề cao vai trò quản lý, giám sát của cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội nghề nghiệp đồng thời phải có chế tài mạnh xử lý các Công chứng viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp gây hậu quả cho xã hội.
PV: Ngoài ra, có ý kiến đề xuất: để nâng cao giá trị pháp lý của hợp đồng dân sự, thương mại đã qua công chứng trong những giao dịch đơn giản, 2 bên ký kết hợp đồng có thể thỏa thuận về quyền yêu cầu thực hiện hợp đồng, khi một bên không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thì bên kia có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự thực hiện hợp đồng đó. Theo bà, đề xuất trên đã phù hợp với thực tế ở nước ta chưa?
Bà Nguyễn Phạm Ý Nhi: Tôi cho rằng, đây là đề xuất thể hiện quan điểm tiến bộ giúp cho việc giải quyết nhanh các vấn đề phát sinh trong tranh chấp dân sự, giảm tải công tác xét xử ở Tòa án, phù hợp với thời đại bùng nổ thông tin, kinh tế tri thức và thông lệ quốc tế về công chứng. Song do thực tế hiện nay ở nước ta, các điều kiện chưa thực chín muồi nên theo tôi chỉ là hướng để các nhà khoa học pháp lý nghiên cứu, khi có đủ điều kiện sớm bổ sung đưa vào luật.
PV: Xin cảm ơn bà!
Công Tâm (thực hiện)