Sáng nay, 494 đại biểu Quốc hội khóa 14 bước vào phiên họp đầu tiên
Cập nhật lúc 15:26, Thứ tư, 20/07/2016 (GMT+7)
Sáng nay (20/7), 494 đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa 14 sẽ bước vào phiên họp đầu tiên. (phiên họp đầu tiên, Quốc hội, Nguyễn Thị Kim Ngân, đại biểu Quốc hội)
Sáng nay (20/7), 494 đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa 14 sẽ bước vào phiên họp đầu tiên.
|
|
Tại phiên họp đầu tiên của kỳ họp thứ 1, QH khóa 14, sau diễn văn khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ phát biểu ý kiến. Tiếp đó Quốc hội sẽ nghe báo cáo tổng kết cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 14 và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2020; kết quả xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội; báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri cả nước trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 14 và đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2016-2021.
Theo dự kiến chương trình, tại Kỳ họp này, QH sẽ dành 6 ngày làm việc để xem xét, quyết định công tác nhân sự Nhà nước, gồm bầu Chủ tịch QH, các Phó chủ tịch QH và các Ủy viên của Ủy ban Thường vụ QH, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của QH, Tổng thư ký QH. QH cũng sẽ bầu Chủ tịch nước, Phó chủ tịch nước, Thủ tướng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Tổng kiểm toán nhà nước; quyết định cơ cấu tổ chức, số lượng thành viên Chính phủ; phê chuẩn việc bổ nhiệm các phó thủ tướng, bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ; phê chuẩn danh sách phó chủ tịch và ủy viên Hội đồng quốc phòng và an ninh.
Trong kỳ họp này, QH hội cũng sẽ xem xét chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 và điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016.
Trong khuôn khổ kỳ hop thứ nhất, QH khóa 14, các đại biểu sẽ dành khoảng 2 ngày làm việc để thảo luận về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và một số nội dung quan trọng khác.
Trước đó, trong cuộc họp báo diễn ra vào chiều 19/7, Văn phòng QH đã thông báo về dự kiến chương trình kỳ họp. Tại buổi họp báo, Tổng thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc đã trả lời phóng viên về những vấn đề liên quan đến tư cách ĐBQH, đặc biệt là việc Hội đồng bầu cử đã không công nhận tư cách đại biểu Quốc hội khóa 14 đối với ông Trịnh Xuân Thanh và bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường.
Tổng thư ký Quốc hội cho biết trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh và bà Nguyệt Hường khi xem xét hồ sơ không có vấn đề gì, đến khi thông qua các kênh khác nhau mới phát hiện ra sai phạm và Hội đồng bầu cử quốc gia đã họp, bỏ phiếu kín không xác nhận tư cách đại biểu.
Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, đây là điều rất đáng tiếc. Theo ông, sắp tới sửa luật Bầu cử QH và HĐND, sẽ phải xem xét lại, đưa ra các chế tài chặt chẽ hơn.
Cũng trong phiên họp báo hôm qua, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết nghi thức tuyên thệ trong kỳ họp này sẽ có nhiều thay đổi: Trong lễ tuyên thệ, các ĐBQH có mặt trong hội trường Qh chứng kiến lễ tuyên thệ sẽ phải đứng lên, nghiêm trang như nghi thức chào cờ. Các ĐBQH không được quay phim, chụp ảnh, dùng điện thoại... trong lễ tuyên thệ.
Điểm khác biệt nữa là Đoàn chủ tịch sẽ chuyển xuống đứng ở phía sau người thực hiện nghi thức tuyên thệ chứ không đứng ở vị trí chủ tịch đoàn như ở lần tuyên thệ trước đây.
"Theo góp ý của nhân dân, của cử tri, Quốc hội cũng quyết định không tặng hoa trong lễ tuyên thệ,và lễ ra mắt" - ông Phúc nói.
Về lời tuyên thệ, ông Phúc cho biết cũng có sự thay đổi. Câu nói "Đứng trước cờ tổ quốc" sẽ được thay bằng "Đứng dưới cờ tổ quốc".
Kỳ họp thứ nhất QH khóa 14 sẽ kéo dài trong 9 ngày, bế mạc vào ngày 29/7. Phiên khai mạc và bế mạc sẽ được phát thanh và truyền hình trực tiếp để cử tri, nhân dân cả nước theo dõi./.
Theo Pháp luật VN
.