leftcenterrightdel
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phiên họp.( Ảnh: Dương Giang/TTXVN )

Chỉnh sửa phạm vi điều chỉnh

Báo cáo một số vấn đề lớn trong tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Trồng trọt do Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày nêu rõ, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã bổ sung, chỉnh sửa và thể hiện lại phạm vi điều chỉnh của Luật; thiết kế lại để thể hiện rõ hơn hoạt động trồng trọt là một chuỗi từ khâu tạo giống, phân bón, canh tác đến thu hoạch, bảo quản, chế biến và thương mại sản phẩm cây trồng; bổ sung quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong hoạt động trồng trọt.

Có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị cần làm rõ ngoài cây nông nghiệp, dự thảo Luật còn điều chỉnh đối với những loại cây trồng nào khác. Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng cho biết, quản lý giống cây thủy sinh, giống cây lâm nghiệp có đặc thù riêng, khác với giống cây nông nghiệp như về yêu cầu vật liệu nhân giống, về kiểm soát chất lượng giống, quy trình kỹ thuật nhân giống, đặc tính sinh học và chu kỳ sinh trưởng của cây. Hiện tại, các Luật Thủy sản, Luật Lâm nghiệp cũng đã có quy định điều chỉnh đối với giống thủy sản, giống cây lâm nghiệp. Do vậy, Luật Trồng trọt không điều chỉnh đối với các giống cây này.

Một số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, về giống cây trồng, không cần thiết có quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng chính bởi giống cây tốt hay không, sản phẩm tiêu thụ như thế nào là do thị trường quyết định. Nếu ban hành quyết định thì những sản phẩm đang có thương hiệu và tiêu thụ tốt trên thị trường lại phải đi đăng ký, gây phiền hà cho người dân.

Nhiều ý kiến đề nghị cần làm rõ việc cấp quyết định công nhận giống cây trồng chính với việc cấp bằng bảo hộ giống cây trồng được quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng, về bản chất, quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng đối với cây trồng chính là để giống cây trồng đó được lưu hành trên thị trường, còn cấp bằng bảo hộ là để bảo hộ quyền tác giả và quyền của chủ bằng bảo hộ đối với giống cây trồng đó.

Tuy nhiên, điều kiện cấp 2 văn bản trên đều do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thực hiện và có nhiều nội dung trùng nhau như yêu cầu về tên gọi, về kết quả khảo nghiệm tính khác biệt, tính đồng nhất, tính ổn định … Vì vậy, trong dự thảo Luật quy định, việc cấp quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng đồng thời với cấp bằng bảo hộ quyền đối với giống cây trồng chính nếu tổ chức, cá nhân đăng ký công nhận lưu hành giống cây trồng đề nghị để giảm bớt thời gian, thủ tục hành chính.

Quy định rõ ràng, minh bạch để người dân dễ hiểu

leftcenterrightdel
Quang cảnh phiên họp.( Ảnh: Dương Giang/TTXVN) 

Cho rằng dự thảo luật đã hướng tới đơn giản hóa thủ tục hành chính, tuy nhiên các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn băn khoăn về nhiều quy định có phát sinh giấy phép con.

Theo Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải, nếu quy định như trong dự thảo luật là “Người trực tiếp bán phân bón phải có Giấy chứng nhận bồi dưỡng chuyên môn về phân bón trừ trường hợp đã có trình độ trung cấp trở lên thuộc một trong các chuyên ngành về lĩnh vực trồng trọt, bảo vệ thực vật, nông hóa thổ nhưỡng, nông học, hóa học, sinh học” thì sẽ rất khó khả thi. Bởi lẽ, phân bón hiện nay được người dân bán khá phổ biến ở các cửa hàng tạp hóa và ở các chợ. Bên cạnh đó, không phải người dân nào cũng có điều kiện đi học bồi dưỡng chuyên môn hay khảo nghiệm về phân bón.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề nghị cần tiếp tục rà soát lại dự án Luật theo hướng quy định cụ thể hơn, vì trong dự thảo Luật có tới 21 điều giao Chính phủ quy định chi tiết, 8 điều giao Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, đây là dự án Luật rất quan trọng bởi nước ta có đến 70% dân số làm nông nghiệp và đang hướng tới nền nông nghiệp hiện đại, khai thác thế mạnh của trồng trọt. Việt Nam có nhiều giống cây ăn quả, sản phẩm nông nghiệp đã xuất khẩu và có thương hiệu trên thị trường thế giới.

Luật này ra đời phải phát huy lợi thế, giải phóng những vấn đề gây ách tắc, khó khăn trong sản xuất nông nghiệp để nâng cao giá trị của sản phẩm nông nghiệp và đời sống nông dân. Trên cơ sở đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát lại các quy định trong dự thảo luật đảm bảo tính chặt chẽ, đừng để có quá nhiều giấy phép con, gây phiền hà, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, trồng trọt là ngành kinh tế kỹ thuật, có tác động lớn đến đời sống của người dân nước ta, vì vậy, mọi quy định trong luật phải dễ hiểu, minh bạch, rõ ràng. Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải dẫn chứng, định nghĩa về giống cây trồng được quy định là “quần thể cây trồng có thể phân biệt được với quần thể cây trồng khác cùng loài thông qua sự biểu hiện của ít nhất một tính trạng được di truyền cho đời sau; đồng nhất về hình thái; ổn định qua các chu kỳ nhân giống; có giá trị canh tác, giá trị sử dụng”.

Định nghĩa này đúng theo ngôn ngữ khoa học, nhưng khó hiểu với người dân. Vì thế, theo bà Nguyễn Thanh Hải, khi Luật ra đời nên ban hành cuốn cẩm nang hướng dẫn thi hành luật với ngôn ngữ đơn giản, mộc mạc hơn để người dân tiếp cận tốt hơn.

Tại phiên họp sáng 9/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc điều chỉnh nội bộ dự toán chi ngân sách nhà nước đã giao trong năm 2017 để bổ sung dự toán chi năm 2018 của Bộ Tài chính (chuyển từ Tổng cục Thuế sang Tổng cục Hải quan); việc giao kế hoạch đầu tư vốn từ nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách nhà nước của bộ, ngành giai đoạn 2016 - 2020 và xử lý vướng mắc đối với thủ tục đầu tư dự án nhóm A sử dụng ngân sách Thành phố Hồ Chí Minh theo quy định tại Nghị quyết số 54/2017/QH14.

 Phan Phương (TTXVN)