(BVPL) - Đó là ý kiến của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại phiên chất vấn về một số nội dung đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm.
 


Kinh tế Việt Nam không phụ thuộc bất cứ nước nào

Đặt vấn đề nền kinh tế Việt Nam đang phụ thuộc vào “người láng giềng to người nhưng xấu bụng”, ĐB Nguyễn Bá Thuyền cho rằng những xung đột xảy ra đặt ra yêu cầu làm sao phải thoát bóng của người hàng xóm này, tránh lệ thuộc vào bất cứ nền kinh tế nào.

Trước tình hình tại biển Đông, Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép, một số phần tử đã lợi dụng kích động gây rối, đại biểu Thuyền muốn biết Chính phủ có giải pháp gì để lấy lại lòng tin của nhà đầu tư.

Bày tỏ sự tán thành với chiến lược đấu tranh với Trung Quốc của Chính phủ, đại biểu Trần Hoàng Ngân nói, cờ Tổ quốc đang tung bay khắp thế giới, thể hiện chính nghĩa của Việt Nam. Đại biểu cho rằng đó là may mắn của quốc gia trong đại họa, là cơ hội trong thách thức. Ông Ngân muốn nghe Phó Thủ tướng trình bày giải pháp để biến thách thức thành cơ hội như nhiều ý kiến đề cập.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Thuyền về việc xây dựng nền kinh tế độc lập, Phó Thủ tướng khẳng định, hiện tại nền kinh tế Việt Nam không phụ thuộc bất cứ nước nào. Theo Phó Thủ tướng, Việt Nam đang có thế mạnh thu hút đầu tư nên thời gian tới cần phát huy ưu thế này để thúc đẩy phát triển kinh tế. Để đảm bảo đủ hấp thu nguồn vốn đầu tư nước ngoài, Phó Thủ tướng nhấn mạnh vấn đề thị trường. Cụ thể, Việt Nam chủ trương mở rộng đa dạng hóa thị trường, cả nhập khẩu và xuất khẩu.

Việt Nam có 6 hiệp định thương mại tự do lớn, cả đơn phương và đa phương, đặc biệt là hiệp định với các nước ASEAN, nước lớn. Dự kiến năm 2015 Việt Nam có 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) với 55 quốc gia và vùng lãnh thổ, mở ra không gian lớn cho thương mại phát triển. Tất nhiên Việt Nam vẫn có chủ trương giữ quan hệ làm ăn hợp tác với Trung Quốc thông qua các hoạt động quan hệ đa phương và song phương với tinh thần hai bên cùng có lợi, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Trước sự quan tâm của một số vị đại biểu về biện pháp lấy lại niềm tin cho nhà đầu tư sau những sự việc gây rối vào tháng 5 vừa rồi, Phó Thủ tướng nêu rõ nguyên nhân xảy ra sự việc là từ hành vi vi phạm của Trung Quốc đối với Việt Nam khiến người dân bức xúc. Bên cạnh đó có sự bức xúc thể hiện trong đời sống công nhân. Nguyên nhân thứ ba, rõ ràng có bàn tay kích động, lợi dụng, quấy rối, phá hoại của những kẻ xấu, phản động.

Tuy nhiên, Phó thủ tướng nêu rõ, các cơ quan chức năng đã lập lại trật tự một cách nhanh chóng, tạm giữ hơn 2.000 đối tượng, khởi tố nhiều vụ án hình sự và đưa ra xét xử các đối tượng cầm đầu ngoan cố trong vụ việc vừa qua.

Với Bình Dương là nơi có thiệt hại nặng nề nhất thì thông tin mới đây là 100% doanh nghiệp đã trở lại hoạt động, Phó Thủ tướng khẳng định. Với sự chỉ đạo kịp thời như trên, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, các nhà đầu tư vẫn yên tâm ở lại Việt Nam làm ăn. Chính quyền cam kết không để tình trạng như đã xảy ra tái diễn ở các địa phương.

Ngoài ra, Việt Nam cũng tiến hành nhiều biện pháp kịp thời, đồng bộ để hỗ trợ cho các doanh nghiệp như giải quyết bảo hiểm (bảo hiểm tài sản, bảo hiểm tiền lương, thất nghiệp cho lao động), giãn thuế, giảm thuế cho doanh nghiệp…

Nhân dân làm “tai, mắt” giám sát

Chuyển sang câu hỏi của ĐB Lê Như Tiến về vấn đề trật tự xã hội, Phó Thủ tướng khẳng định, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả về trấn áp tội phạm, số băng nhóm bị phá. Tỷ lệ phá án luôn đạt trên 74%. Tuy nhiên, tình hình trật tự xã hội đang diễn biến phức tạp, nhất là tội phạm dạng băng nhóm, tội phạm buôn bán người…

Liên quan đến tội phạm tham nhũng, Phó Thủ tướng cũng nêu quyết tâm xây dựng một cơ chế phòng ngừa để không thể tham nhũng, cơ chế răn đe để không dám tham nhũng và cơ chế đãi ngộ xứng đáng để không cần tham nhũng.

Về câu hỏi của ĐB Trần Hoàng Ngân là làm thế nào nắm bắt cơ hội để thế giới tiếp tục ủng hộ Việt Nam sau vụ việc đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép của Trung Quốc, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Việt Nam đã tiến hành mọi biện pháp đấu tranh qua đường ngoại giao cũng như trên thực địa và tiếp tục tính toán các giải pháp khác. Đồng thời với việc trên, Việt Nam cũng phải chủ động để phát triển kinh tế, xây dựng đất nước để củng cố niềm tin cho cả người dân trong nước và bạn bè quốc tế.

ĐB Lê Như Tiến nhấn nút lần hai, ông hỏi Phó Thủ tướng rằng một trong những giải pháp phòng ngừa tham nhũng hữu hiệu là nâng cao hiệu quả công tác kê khai và công khai tài sản, thu nhập của cán bộ. Thời gian qua, Việt Nam có thực hiện kê khai nhưng không công khai nên mới có việc nhiều cán bộ cấp cao và cán bộ về hưu liền phát lộ những khối tài sản lớn, bất ngờ.

Trả lời câu hỏi này, Phó Thủ tướng khẳng định, Chính phủ đã có nghị định về xử lý trách nhiệm người đứng đầu và nghị định về kê khai tài sản. Tuy nhiên, việc công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình làm chưa tốt thì chứng tỏ việc triển khai ở các cấp, các ngành chưa tốt.

Về câu hỏi có bao nhiêu cán bộ cấp cao có khối tài sản lớn thì Phó Thủ tướng cho rằng, chỉ qua thanh, kiểm tra mới biết được và hi vọng nhân dân tiếp tục làm “tai, mắt” để giám sát tốt hơn.
 

Ngọc Đức (Lược thuật)

.