(BVPL) - Tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 9 mới đây, các thành viên Chính phủ nhận định, tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm tiếp tục chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực.
 


Cụ thể, tăng trưởng GDP quý sau cao hơn quý trước, quý III đạt 6,81%, 9 tháng đầu năm đạt 6,5%. Trong đó, công nghiệp tăng 9,57%, nông nghiệp ước tăng 2,08%, dịch vụ ước tăng 6,17%. Ước cả năm, GDP tăng trên 6,5%, vượt kế hoạch đề ra (6,2%), cao nhất trong 8 năm qua. Khu vực công nghiệp phục hồi mạnh mẽ, tăng 9,57%, thực sự trở thành động lực chủ yếu tăng trưởng. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 9 tháng tăng 9,8%, cao hơn cùng kỳ nhiều năm trước.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, nền kinh tế vẫn đang đối diện một số khó khăn, thách thức như: giá dầu thô, hàng hóa thế giới giảm mạnh, cùng với diễn biến phức tạp của thị trường tài chính thế giới đã ảnh hưởng nhất định đến nền kinh tế Việt Nam, trong đó có thu NSNN từ dầu thô và từ hoạt động sản xuất nhập khẩu. Khu vực nông nghiệp và thủy sản vẫn gặp nhiều khó khăn do thiên tai, hạn hán, mưa, lũ và những khó khăn về thị trường, giá xuất khẩu giảm mạnh; sản lượng và kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng nông, thủy sản đạt thấp so với cùng kỳ.

Đặc biệt, chỉ số giá tiêu dùng tháng 9/2015 giảm 0,21% so với tháng trước, tăng 0,4% so với tháng 12/2014, là mức tăng thấp nhất trong 10 năm gần đây. Về vấn đề này, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho hay, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 giảm 0,21% so với tháng trước chủ yếu do giá xăng, dầu, giá gas trong nước tiếp tục giảm mạnh. Tuy nhiên, không có biểu hiện giảm phát mà còn có lợi cho nền kinh tế cũng như doanh nghiệp và người tiêu dùng. Trên thực tế, tiêu dùng trong nước, sức mua và tổng cầu đã tăng khá mạnh: Tổng mức bán lẻ hàng hoá 9 tháng đầu năm tăng 9,8%, loại trừ yếu tố giá còn tăng 9,1% (cùng kỳ năm 2014 tăng 7,3%). Tăng trưởng kinh tế 9 tháng cao hơn cùng kỳ nhiều năm trước: tốc độ tăng GDP 9 tháng đầu năm đạt 6,5%, là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ 4 năm trước (cùng kỳ các năm 2011: 6,03%; 2012: 5,1%; 2013: 5,14%; 2014: 5,53%).
 
Ngoài ra, vấn đề được dư luận quan tâm đó là việc tạm dừng thu phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô. Theo Bộ Giao thông Vận tải, việc thu phí là đúng với quy định tại Luật Giao thông đường bộ, Pháp lệnh phí, lệ phí. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, tình hình kinh tế -xã hội, cũng như cách thức thực hiện của các địa phương là khác nhau, chế tài xử phạt còn hạn chế, đặc thù phương tiện xe mô tô của nước ta... dẫn đến việc thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện là xe mô tô đạt hiệu quả thấp, gặp rất nhiều khó khăn...

Tại phiên họp Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã báo cáo tóm tắt về kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy năm 2015. Theo Báo cáo, trên phạm vi cả nước có 878.198 thí sinh đăng ký thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp là 91,71% (năm 2014, tỷ lệ này là 99,02%). Sau 2 đợt xét tuyển ĐH, CĐ, theo báo cáo của 443 trường ĐH, CĐ, các trường đã xét tuyển được 463.537 chỉ tiêu, đạt 89,75%, trong đó, các trường ĐH xét tuyển được 391.930 chỉ tiêu (gồm 365.091 chỉ tiêu ĐH và 26.839 chỉ tiêu CĐ), các trường CĐ xét tuyển được 71.607 chỉ tiêu, đạt 64,63%.

Tại cuộc họp, Chủ nhiệm, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cũng trả lời báo chí về vấn đề quy hoạch báo chí. Theo đó, Chính phủ đã giao cho Bộ TT&TT tiếp tục triển khai, lắng nghe, sau đó đề xuất kiến nghị trước khi Thủ tướng thực hiện nhiệm vụ của mình theo chỉ đạo, theo phân công. Nhưng phải quan tâm tới việc ổn định, không để xáo trộn, quan tâm tới đội ngũ những người làm báo để tiếp tục có điều kiện, cơ hội cống hiến cho đất nước. Còn sắp xếp ra sao thì Bộ TT&TT đang tiếp tục nghe ý kiến đóng góp. Sau khi lắng nghe đầy đủ, sẽ tổng hợp báo cáo, lúc đó chúng ta sẽ bàn kỹ để thực hiện. Về những bình luận, băn khoăn gần đây trên báo chí, Bộ trưởng Nên cho hay: “Hãy ngồi lại để cùng đóng góp những gì thấy cần thiết để Bộ TT&TT là cơ quan được giao lắng nghe cầu thị, tập hợp đầy đủ ý kiến để tham mưu xác đáng cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trước khi ký quy hoạch này”.

Thông tin thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Thành Hưng - Thứ trưởng Bộ TT&TT cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ TT&TT đang triển khai các đoàn công tác để trực tiếp làm việc với các cơ quan chủ quản, lắng nghe, tìm hiểu các tâm tư, nguyện vọng cũng như bàn phương thức thực hiện quy hoạch này có tình, có lý nhất…Tinh thần là Bộ TT&TT phải làm việc với đơn vị chủ quản. Còn việc sắp xếp như thế nào là việc các cơ quan chủ quản đã lĩnh hội được tinh thần chỉ đạo của Đảng, Chính phủ rồi thì sẽ phải có kế hoạch sau khi bàn bạc, làm việc với Bộ TT&TT. Chúng tôi khẳng định, Thủ tướng Chính phủ sẽ chỉ phê duyệt quy hoạch sau khi Bộ TT&TT đã thống nhất phương án với các cơ quan chủ quản. Cũng theo ông Hưng: “Trước khi cơ quan chủ quản có kế hoạch gì đối với các tờ báo thuộc chủ quản của mình thì chắc chắn cơ quan chủ quản đó sẽ phải bàn bạc dân chủ với cơ quan báo chí mà mình phụ trách. Ngoài ra, các đồng chí có tâm tư, nguyện vọng thì hoàn toàn có thể gửi lên để đề đạt với Bộ TT&TT. Trong quá trình làm việc với các cơ quan chủ quản, chúng tôi chắc chắn sẽ lắng nghe những ý kiến hợp lý của các cơ quan báo chí”.
 

Minh Nhật

.