Ngày 15/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về Tờ trình, Báo cáo thẩm tra dự thảo Luật Công an nhân dân (sửa đổi) do lãnh đạo Bộ Công an thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trình bày.
|
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì phiên họp - Ảnh: VGP/Nguyên Linh |
Về cơ bản, các ý kiến của UBTVQH tán thành sự cần thiết và quan điểm xây dựng dự án Luật với những lý do đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ, những tiếp thu sửa đổi, giải trình dự Luật đảm bảo hoàn thiện các quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, xây dựng lực lượng CAND, thể chế hóa các quan điểm của Đảng, phù hợp với Hiến pháp năm 2013, đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trong giai đoạn hiện nay.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng nêu ra một số ý kiến nhằm hoàn thiện các nội dung sửa đổi quan trọng. Trong đó, nhấn mạnh yêu cầu phạm vi sửa đổi của dự luật cần quán triệt, phù hợp với các nội dung Hiến pháp mới, các kết luận chỉ đạo của Bộ Chính trị, đặc biệt là liên quan đến thẩm quyền, quyền hạn, mối quan hệ giữa các cấp có thẩm quyền bổ nhiệm, phong, thăng, giáng chức quân hàm trong lực lượng công an nhân dân hiện nay.
Các ý kiến tập trung thảo luận tính hợp lý về quân hàm tướng, trần cấp tướng đối với một số vị trí như doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, các chức vụ trong cơ quan Đảng trong ngành; quy định hàm cấp giữa cấp phó và thủ trưởng đơn vị…
Một số quy định về tổ chức của Công an nhân dân cũng được quan tâm thảo luận, gồm tổ chức Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy với việc thí điểm mô hình Sở Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy ở một số địa phương; địa vị pháp lý của lực lượng Công an xã.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, các vấn đề này đều rất hệ trọng, cần tổng kết sâu sắc để chỉ ra những nhược điểm, hạn chế cũng như kế thừa được những vấn đề còn nguyên giá trị của đạo luật cũ. Trong đó có vấn đề được quan tâm là việc phong hàm, cấp sỹ quan trong lực lượng công an nhân dân. Trên cơ sở đó, cơ quan soạn thảo cần tiếp tục tiếp thu, hoàn thiện dự thảo để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến trong thời gian tới.
Theo Tờ trình của Chính phủ, dự thảo Luật Công an nhân dân (sửa đổi) sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm 7 chương, 42 điều, so với Luật năm 2005 sửa đổi, bổ sung cơ bản 13 điều. Trong đó, chế định về sĩ quan, hạ sĩ quan, hệ thống cấp bậc hàm và đối tượng, điều kiện, thời hạn xét phong, thăng cấp bậc hàm có những thay đổi quan trọng và được nhiều ý kiến thảo luận, góp ý từ các nhà xây dựng Luật.
Điều 21 dự Luật quy định theo hướng thời hạn thăng cấp bậc hàm từ Đại tá lên Thiếu tướng là 4 năm, còn trong mỗi cấp Tướng thì không quy định thời hạn. Theo giải thích từ cơ quan soạn thảo, nếu quy định cụ thể thời hạn thăng cấp bậc hàm trong mỗi cấp Tướng thì tuổi đời của sĩ quan cấp Tướng khi được phong, thăng sẽ cao (Đại tướng là 63 tuổi, Thượng tướng là 59 tuổi, Trung tướng là 55 tuổi, Thiếu tướng là 51 tuổi). Như vậy, sẽ khó quy hoạch nguồn cán bộ cũng như gặp khó khăn trong bố trí, sử dụng cán bộ khi có nhu cầu. Quy định như dự thảo Luật vẫn bảo đảm chặt chẽ, bởi việc thăng cấp bậc hàm cấp Tướng được thực hiện theo trình tự, thủ tục qua nhiều khâu, nhiều cấp.
Quán triệt sâu sắc các Thông báo số 398-TB/TW ngày 29/11/2010, Thông báo số 111-TB/TW ngày 08/11/2012 và Thông báo số 147-TB/TW ngày 21/10/2013 của Bộ Chính trị, dự thảo Luật quy định việc phong, thăng quân hàm cấp Tướng trong lực lượng Công an nhân dân chặt chẽ, đúng nhu cầu; quy định cấp bậc hàm cấp trưởng cao hơn cấp bậc hàm cấp phó một bậc; không quy định địa bàn trọng yếu hoặc lĩnh vực công tác đặc biệt để phong hàm cấp Tướng.
Tờ trình Dự thảo Luật cũng đưa ra lập luận về quy định hàm cấp đối với Bộ trưởng Bộ Công an, lãnh đạo Tổng cục, Bộ Tư lệnh, các chức danh Chánh Văn phòng Bộ; Chánh Thanh tra Bộ Công an; các Viện, Cục, các đơn vị thuộc Tổng cục, Bộ Tư lệnh, cấp bậc hàm cao nhất của Công an cấp tỉnh, cấp huyện…
* Trước đó, vào buổi sáng, UBTVQH cũng cho ý kiến đối với Dự án Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi). Đa số ý kiến tán thành với sự cần thiết, quan điểm chỉ đạo, mục đích, yêu cầu sửa đổi Luật Tổ chức Quốc hội và đóng góp ý kiến nhằm khắc phục những mặt hạn chế, bất cập của Luật hiện hành sau hơn 10 năm thực hiện, đưa ra những quy định cải tiến mới trong hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội phù hợp với yêu cầu thể chế hóa Cuơng lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI và Hiến pháp (sửa đổi) mới được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6./.
Theo Chinhphu.vn