Sáng nay (11/11), Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2016. Theo đó, từ ngày 1/5/2016 điều chỉnh tăng mức lương cơ sở từ 1,15 triệu đồng/tháng lên 1,21 triệu đồng/tháng (tăng khoảng 5%) đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang,..

 


Theo đó, Quốc hội đã thông qua mục tiêu tổng số thu cân đối NSNN là 1.014.500 tỷ đồng. Nếu tính cả 4.700 tỷ đồng thu chuyển nguồn ngân sách địa phương từ năm 2015 sang năm 2016 thì tổng số thu NSNN là 1.019.200 tỷ đồng.

Tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 1.273.200 tỷ đồng. Mức bội chi NSNN là 254.000 tỷ đồng, tương đương 4,95% tổng sản phẩm trong nước (GDP).

Quốc hội nhất trí giao Chính phủ thực hiện điều chỉnh tiền lương đối với người có mức lương hưu, trợ cấp mất sức lao động dưới 2 triệu đồng/tháng và trợ cấp đối với giáo viên mầm non có thời gian công tác trước năm 1995 để lương hưu của các đối tượng này đạt mức lương cơ sở, thời điểm thực hiện từ ngày 1/1/2016.

Từ ngày 1/1-30/4/2016, tiếp tục thực hiện mức điều chỉnh đối với các đối tượng như quy định tại  Nghị quyết số 78/2014/QH13 ngày 10/11/2014 của Quốc hội.

Từ ngày 1/5/2016, thực hiện điều chỉnh tăng mức lương cơ sở từ 1,15 triệu đồng/tháng lên 1,21 triệu đồng/tháng (tăng khoảng 5%) đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, bảo đảm thu nhập của đối tượng có hệ số lương từ 2,34 trở xuống không giảm so với mức đang hưởng.

Riêng lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công, tiếp tục giữ mức đã tăng 8% như đã thực hiện năm 2015.

Giao các bộ, ngành, địa phương trên cơ sở dự toán ngân sách nhà nước được giao tự cân đối để bố trí nguồn tăng lương. Ngân sách trung ương hỗ trợ một phần tiền lương tăng thêm cho một số địa phương nghèo, ngân sách khó khăn theo quy định của Chính phủ.

Thông qua phát hành 3 tỷ USD trái phiếu Chính phủ ra thị trường quốc tế

Quốc hội cũng đồng ý sử dụng 40.000 tỷ đồng tiền bán cổ phần sở hữu của Nhà nước tại một số doanh nghiệp để đầu tư phát triển. Trường hợp ngân sách trung ương năm 2015 bị hụt thu, cho phép sử dụng không quá 10.000 tỷ đồng tiền bán cổ phần sở hữu của nhà nước nhưng chỉ để cân đối, đáp ứng nhiệm vụ chi đầu tư phát triển. Các đại biểu cũng tán thành việc sử dụng 30.000 tỷ đồng đưa vào dự toán ngân sách nhà nước năm 2016 để tăng chi đầu tư phát triển.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng tán thành thực hiện đa dạng hóa kỳ hạn trái phiếu Chính phủ phát hành trong năm 2015 và năm 2016, trong đó, chỉ phát hành trái phiếu Chính phủ có thời hạn từ 3 năm đến dưới 5 năm với tỷ lệ không quá 30% tổng khối lượng trái phiếu Chính phủ phát hành, 70% đảm bảo từ 5 năm trở lên.

Quốc hội cũng đồng ý giao Chính phủ thực hiện việc phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường vốn quốc tế để cơ cấu lại nợ trong nước của Chính phủ, trên cơ sở so sánh, phân tích, đảm bảo có lợi cho quốc gia và chỉ thực hiện trong năm 2015 và năm 2016, với tổng mức phát hành tối đa là 3 tỷ USD.

Đồng thời, Quộc hội cũng đồng ý giao Chính phủ rà soát quy mô, thiết kế, hiệu quả và phân bổ 14.259 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ còn dư của các dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên để đầu tư cho một số dự án cụ thể.

Trường hợp sau khi rà soát, phân bổ, ngoài số vốn dư nêu trên, nếu vẫn tiếp tục còn dư, giao Chính phủ phân bổ cho các dự án liên quan đến đầu tư xây dựng 2 tuyến đường này theo đúng quy định của pháp luật.
 

Theo Dân trí

.