Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: Phiếu nhẹ nhàng thôi nhưng trách nhiệm rất nặng nề.
Qua lấy phiếu tín nhiệm, những người được đánh giá tín nhiệm cao luôn phải tự nhắc nhở mình tiếp tục hoàn thành tốt hơn công việc của mình. Những người đươc đánh giá chưa thật cao, cũng nhận thức được trách nhiệm của mình, phấn đấu khắc phục nhược điểm của mình và ngành mình.
Các vị đại biểu Quốc hội cũng thấy rõ và khi phát biểu tại hội trường đã đánh giá những chuyển biến tích cực của các vị được lấy phiếu tín nhiệm, chỉ ra những bộ trưởng đã cố gắng, năng động. Có những ngành, lĩnh vực đòi hỏi sự đồng bộ, không thể một mình bộ, ngành nào tự mình giải quyết được, nhưng các vị trưởng ngành đó đã giải quyết toàn tâm, toàn ý.
Chủ tịch khẳng định, nói Quốc hội đánh giá tín nhiệm là nói chung, thực chất là từng vị đại biểu Quốc hội đánh giá, chứ không phải cả Quốc hội thảo luận tập thể để biểu quyết. Trọng trách nằm ở từng vị đại biểu Quốc hội, đòi hỏi mỗi vị đại biểu phải làm việc công tâm, trách nhiệm, khách quan, chính xác khi tiến hành công việc hệ trọng này.
“Tôi cũng là đại biểu Quốc hội, các vị lãnh đạo ở đây, các đồng chí đều là đại biểu Quốc hội. Với trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân, các đại biểu cần căn cứ các quy định, nhận thức, đánh giá của bản thân, ý kiến cử tri, thông tin chính thức mà chúng ta nhận được để phân tích, đánh giá.
Đại biểu Quốc hội không nên sử dụng thông tin không chính thức như khiếu nại, tố cáo, hay văn bản khác gửi đến chưa được sàng lọc, chưa đủ căn cứ. Quan trọng, nếu nhầm lẫn thông tin, nghiêng về mặt này, mặt kia, kết quả đánh giá sẽ không chính xác”, Chủ tịch Quốc hội đề nghị.
“Tôi tin tưởng chắc chắn Quốc hội sẽ thực hiện thắng lợi trọng trách cao cả này. Cầm lá phiếu nhẹ nhàng thôi nhưng trách nhiệm rất nặng nề nên khi quyết định cần cân nhắc, thận trọng, khách quan, công tâm, chính xác”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh.
Với 93,96% ĐBQH biểu quyết thông qua lấy phiếu tín nhiệm đối với 50 chức danh gồm: Chủ tịch nước, các Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ. Sau khi biểu quyết danh sách, Quốc hội thảo luận ở đoàn về lấy phiếu tín nhiệm.
Sáng 15/11, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc sẽ trình bày báo cáo tổng hợp kết quả thảo luận ở đoàn về việc lấy phiếu tín nhiệm. Sau đó, Quốc hội sẽ bầu ban kiểm phiếu và tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với từng chức danh. Việc công bố kết quả kiểm phiếu sẽ diễn ra vào cuối chiều cùng ngày và nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm cũng sẽ được Quốc hội thông qua ngay sau đó./.
Theo VOV