Chiều 20/11, với 381 đại biểu có mặt biểu quyết tán thành (chiếm 76,66% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội đã thông qua Luật Căn cước công dân.

 


Cũng trong chiều 20/11, Quốc hội đã biểu quyết, thông qua Luật Hộ tịch với tỷ lệ 76,65% số đại biểu tán thành.

Luật Căn cước công dân là dự án Luật được bàn thảo tại Kỳ họp trước đây của Quốc hội và tiếp thu nhiều ý kiến đóng góp qua các Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đây cũng là dự luật thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân với kỳ vọng tạo ra cuộc cải cách trong công tác quản lý nhà nước về dân cư; giảm phiền hà, tiết kiệm thời gian cho người dân theo hướng xây dựng mô hình quản lý hiện đại, tinh gọn.

Dự án Luật được thông qua sẽ tạo cơ sở pháp lý cho việc lập số định danh cá nhân cho mỗi công dân, bảo đảm tính khoa học, tính khả thi, căn cứ vào yêu cầu quản lý và phù hợp thực tiễn.

Liên quan chặt chẽ đến dự án Luật Căn cước công dân, việc Quốc hội thông qua dự án Luật Hộ tịch nhằm đảm bảo tính khả thi trong mối quan hệ chặt chẽ giữa hộ tịch, hộ khẩu và căn cước công dân.

Nếu như hộ tịch là những sự kiện quan trọng về nhân thân của công dân được Nhà nước ghi nhận và bảo vệ thì hộ khẩu và căn cước công dân chủ yếu để phục vụ công tác quản lý xã hội.

Dự thảo Luật Hộ tịch được thông qua trên cơ sở rà soát với các văn bản luật khác (Bộ luật Dân sự, Luật Quốc tịch, dự án Luật Căn cước công dân…) nhằm bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật; tránh chồng chéo, trùng lặp về quản lý dân cư giữa các bộ, ngành, gây lãng phí cho Nhà nước và phiền hà cho người dân./.
 

Theo TTXVN/Vietnam+

.