Kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khoá XIII khai mạc sáng nay, 21/3/2016 sẽ chứng kiến sự chuyển giao quyền lực của các lãnh đạo cấp cao nhà nước để kiện toàn sớm bộ máy, chuẩn bị cho một nhiệm kỳ mới. Quốc hội sẽ miễn nhiệm Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng để chọn nhân sự mới cho 3 vị trí này.
 


Tương tự quy trình này, UB Thường vụ Quốc hội cũng là cơ quan trình Quốc hội miễn nhiệm Chủ tịch nước và trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu người đứng đầu nhà nước – nguyên thủ quốc gia mới.

Nhân sự được Bộ Chính trị, Trung ương Đảng khoá XII thống nhất giới thiệu ứng cử chức danh Chủ tịch nước tại hội nghị lần thứ 2 vừa qua là Đại tướng – Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang.

Dự kiến ngày 2/4, tân Chủ tịch nước sẽ tuyên thệ nhậm chức trước Quốc hội.

Quy trình miễn nhiệm Thủ tướng bắt đầu với việc Chủ tịch nước trình Quốc hội xem xét vấn đề này vào ngày 6/4. Thủ tướng đương nhiệm cũng được dành thời gian phát biểu ý kiến trước khi kết thúc nhiệm kỳ công tác của mình.

Chủ tịch nước mới được bầu cũng là người trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu Thủ tướng Chính phủ mới. Đến thời điểm này, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng đã thống nhất giới thiệu Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ứng cử chức vụ này.

Sau khi bỏ phiếu kín, kết quả bầu Thủ tướng mới được công bố ngày 7/4. Tân Thủ tướng cũng thực hiện việc tuyên thệ nhậm chức trước Quốc hội theo quy định.

Chương trình kiện toàn nhân sự với những chức danh lãnh đạo cao nhất của nhà nước, như vậy, rất phù hợp với những thông tin được đưa ra trong cuộc họp báo trước kỳ họp là các lãnh đạo đương nhiệm không có đơn từ nhiệm gửi tới Quốc hội. Việc miễn nhiệm các chức danh, theo đó, được thực hiện theo quy định tại Điều 11 luật Tổ chức Quốc hội – do các cơ quan và cá nhân trình Quốc hội bầu các chức danh này đề nghị miễn nhiệm.

Quy trình này, theo Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc được tiến hành tương tự như lần chuyển giao cuối nhiệm kỳ Quốc hội khoá XI. Thủ tướng đương nhiệm Nguyễn Tấn Dũng được bầu tháng 6/2006, ngay trước khi Quốc hội khép lại khoá XI. Tháng 7 năm đó, ông Nguyễn Tấn Dũng được Quốc hội mới tiếp tục bầu làm Thủ tướng khoá XII. Và tháng 7/2011, lần thứ 3, ông Nguyễn Tấn Dũng được Quốc hội (khoá XIII) chọn làm người đứng đầu Chính phủ.

Như vậy, nếu trúng cử tại kỳ họp Quốc hội lần này, các chức danh được bầu cũng phải tiếp tục qua vòng “thử lửa” tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khoá mới (khoá XIV), dự kiến diễn ra vào tháng 7 năm nay để giữ được vị trí đã đảm nhiệm.

Dư luận hiện đang dành nhiều quan tâm tới việc kiện toàn bộ máy nhân sự các khối cơ quan hành pháp – lập pháp – tư pháp sau khi những người đứng đầu đã được xác định. Nhiều ứng viên cho các vị trí ít nhiều có thể suy đoán qua danh sách người ứng cử đại biểu Quốc hội khoá tới do các khối cơ quan giới thiệu.

Khối cơ quan Đảng giới thiệu tân Uỷ viên Bộ Chính trị - Thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Văn Bình. Khối cơ quan Chủ tịch nước giới thiệu Uỷ viên Bộ Chính trị - Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang, Phó Chánh văn phòng Trung ương Đảng Đặng Thị Ngọc Thịnh…

Khối Chính phủ giới thiệu các tân Uỷ viên Bộ Chính trị Trương Hoà Bình – Chánh án TAND tối cao, Vương Đình Huệ - Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Đại tướng Ngô Xuân Lịch – Chủ nhiệm Tổng Cục Chính trị, Thượng tướng Tô Lâm – Thứ trưởng Bộ Công an, nhiều Thứ trưởng các Bộ như ông Trần Tuấn Anh (Bộ Công Thương), ông Nguyễn Trí Dũng (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), ông Lê Vĩnh Tân (Bộ Nội vụ), ông Lê Thành Long (Bộ Tư pháp)…
 

Theo Dân trí

.