leftcenterrightdel
Ảnh minh họa 

    Phát biểu tại Hội thảo, PGS,TS Trương Ngọc Nam, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng: cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 gây ra ảnh hưởng mạnh mẽ đến tất cả các yếu tố của chu trình truyền thông, bao gồm chủ thể truyền thông, nội dung thông điệp, kênh truyền thông và đối tượng tiếp nhận, đến toàn bộ quá trình quản lý truyền thông. Sự chú ý đặc biệt đối với cuộc cách mạng này, một phần do đặc trưng khác biệt so với ba cuộc cách mạng trước do tốc độ phát triển theo “cấp số nhân”, do những tác động được dự báo là có thể ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt đời sống, và đặc biệt do đây là cuộc cách mạng chưa có tiền lệ, xét về phạm vi, mức độ và tính phức tạp, sự dịch chuyển này không giống với bất kỳ điều gì mà con người từng trải qua. 
     Xu hướng hội tụ truyền thông buộc các cấp lãnh đạo phải thay đổi cách thức quản lý, vận hành và tổ chức quy trình làm báo tại tòa soạn, cơ quan báo chí hay tổ chức truyền thông theo hướng đồng bộ, tinh gọn và hiệu quả. Những người làm truyền thông cũng cần nắm bắt các xu hướng mới trong quá trình tác nghiệp. Các công nghệ được sử dụng trong truyền thông không ngừng biến đổi dẫn đến sự thay đổi trong hành vi tiếp nhận các sản phẩm truyền thông của công chúng. Cùng với sự phát triển của các nền tảng truyền thông, công tác chỉ đạo, quản lý truyền thông đang gặp không ít khó khăn. Sự bùng nổ của mạng xã hội như Facebook, Youtube... khiến các cơ quan chức năng khó kiểm soát thông tin. Do vậy, việc đưa ra các biện pháp hợp lý để hạn chế ảnh hưởng xấu của các thông tin sai lệch trên mạng đối với dư luận xã hội là điều vô cùng cấp thiết. 
      Về công tác quản lý báo chí ông Tống Minh Tuấn, Trưởng phòng Báo chí địa phương, Cục báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng: Pháp luật hiện hành chưa theo kịp với sự phát triển của cuộc Cách mạng 4.0. Dù rằng, gần đây các Luật liên quan đến quản lý báo chí cũng như quản lý nội dung số trên môi trường mạng liên tục được sửa đổi, bổ sung; tuy nhiên, với tốc độ phát triển nhanh, cơ chế quản lý báo chí vẫn để lộ nhiều bất cập, hạn chế.

    Hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đã giao Cục Báo chí thành lập Trung tâm lưu chiểu điện tử và hỗ trợ báo chí, thực hiện việc lưu chiểu điện tử và phục vụ công tác quản lý báo chí. Tuy nhiên, theo ông Tuấn, việc ngày càng hạn chế về nhân lực của cơ quan quản lý báo chí đặt ra những vấn đề thách thức, trong khi các cơ quan báo chí thì ngày càng mở rộng phạm vi hoạt động.

    Để quản lý báo chí báo chí trong bối cảnh công nghiệp 4.0, theo ông Tống Minh Tuấn thì phải tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý theo hướng mở, linh hoạt và mềm dẻo, tạo điều kiện trong công tác quản lý cũng như xử lý sai phạm. Trong đó, mở rộng quyền hạn cho các cơ quan quản lý báo chí ở Trung ương và địa phương. Cần có cơ sở dữ liệu quốc gia về báo chí, trong đó, chú trọng khả năng cập nhập thay đổi và tổng hợp thông tin của ứng dụng lưu chiểu điện tử, thực hiện việc lưu chiểu điện tử với cả báo in, tiến tới đồng bộ hóa dữ liệu về báo chí trong mọi loại hình báo chí. Công tác đào tạo đội ngũ quản lý báo chí rất quan trọng để bắt kịp với công nghệ 4.0.

Lê Sử