(BVPL) - “Phức tạp và tinh vi”, là những cụm từ từ trước đến nay hay được dùng để đánh giá về nạn mua bán người. Đã có nhiều dự án, hội thảo tốn kém được mở ra cùng với những đợt ra quân rầm rộ… nhưng loại tội phạm này vẫn tỏ ra “nhờn thuốc”, bất chấp những nỗ lực của cả cỗ máy bảo vệ pháp luật đang vận hành. Vậy, đâu là giải pháp hữu hiệu có thể dẹp “nạn dịch” nguy hiểm này?
Nhìn lại những vụ án mua bán người đã bị xử lý trước pháp luật, có thể thấy bọn buôn người thường tổ chức thành đường dây chặt chẽ trong và ngoài biên giới, triệt để sử dụng các chiêu bài như: tìm kiếm, môi giới việc làm, dịch vụ hôn nhân, sau đó lừa bán ra nước ngoài. Các nạn nhân bị đưa ra nước ngoài chủ yếu để hành nghề mại dâm, cưỡng ép làm việc tại các nhà hàng, khách sạn, hộp đêm hay các vũ trường ăn chơi thác loạn ở các khu kinh tế mở hoặc bắt buộc họ chung sống như vợ chồng với những đối tượng là đàn ông sở tại không có khả năng lấy vợ... Điều đáng báo động là mặc dù các cơ quan chức năng tăng cường triển khai các biện pháp chống mua bán người nhưng hoạt động tội phạm này vẫn không giảm, trái lại, có chiều hướng ngày càng phức tạp. Thực trạng này được thể hiện thông qua các con số: Từ đầu năm 2015 đến nay, các cơ quan chức năng đã điều tra, phát hiện 150 vụ mua bán người, bắt 244 đối tượng, trong đó, lực lượng Công an khởi tố 114 vụ và 205 người, Bộ đội Biên phòng khởi tố 36 vụ, bắt 39 người, Viện Kiểm sát nhân dân các cấp đã truy tố 104 vụ, 198 bị can, trong đó 71 vụ và 136 bị can về tội Mua bán người.
Đâu là giải pháp?
Qua các vụ mua bán người xảy ra gần đây cho thấy, các nạn nhân bị mua bán thường sa vào bẫy bởi rất nhiều thủ đoạn của bọn tội phạm buôn người, song, chung nhất vẫn là thông qua mạng xã hội trên internet như Facebook, Zalo hay điện thoại để “kết bạn”, tâm sự với nạn nhân, rồi sau đó hứa hẹn việc làm với mức lương cao, sau đó, lừa dẫn họ vượt biên giới ra nước ngoài để bán cho các “mẹ mìn”. Trong 6 tháng đầu năm, hiện tượng này đặc biệt nổi lên tại địa bàn Lai Châu, cơ quan chức năng đã bắt 5 đối tượng lừa bán 19 phụ nữ, trẻ em sang Trung Quốc.
Một thủ đoạn cũng khá phổ biến mà bọn “mẹ mìn” hay áp dụng là “giới thiệu làm con nuôi” cho các gia đình hiếm muộn nhưng thực chất, chỉ là hoạt động mua bán trẻ em, thậm chí đánh cắp, chiếm đoạt không hơn không kém. Từ đầu năm 2015 trở lại đây, tại 3 tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu đã xảy ra 20 vụ việc thuộc dạng này. Riêng với những trường hợp lừa bán phụ nữ ra nước ngoài thông qua môi giới hôn nhân trái phép, tổ chức xem mặt, chọn vợ cho người nước ngoài, từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng đã phát hiện 200 vụ, 310 đối tượng, 548 nạn nhân.
Không cần nói thì ai cũng hiểu nỗi khổ nhục của các nạn nhân bị mua bán, trao tay như những món hàng. Thực tế qua các vụ án mua bán người bị phát giác mà nạn nhân may mắn tự trốn thoát được hoặc được giải cứu cho thấy, trong các động mại dâm, họ bị cưỡng ép phục vụ tình dục cho những du khách nước ngoài hoặc những người đàn ông bản xứ. Trong các gia đình “chồng hờ”, ngoài việc bị cưỡng bức tình dục, họ còn phải lao động quần quật ngày đêm. Nếu bất mãn, trái lời hoặc bỏ trốn, họ sẽ bị đánh đập thậm tệ. Chính vì vậy, theo đánh giá của các cơ quan chức năng, tội phạm mua bán người đang được xác định là một trong 4 nhóm tội phạm quan trọng nhất gồm: Cướp có vũ khí, ma tuý; mua bán người và tham nhũng.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của tội phạm buôn bán phụ nữ và trẻ em, Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần trực tiếp có ý kiến chỉ đạo các cơ quan chức năng phải chặn đứng và làm giảm ngay loại tội phạm nguy hiểm này. Tuy nhiên, do điều kiện địa lý và tính chất của sự việc nên việc đấu tranh với tội phạm mua bán người gặp nhiều trở ngại, dù nhiều biện pháp đồng bộ đã được triển khai. Tại các hội thảo chuyên đề bàn về công tác phòng, chống mua bán người thời gian qua, nhiều ý kiến cho rằng, việc “rung chuông” cảnh tỉnh, tức là công tác truyền thông xã hội đối với tệ nạn mua bán người chưa “ăn nhịp” với các biện pháp trấn áp tội phạm. Các đợt cao điểm chống tội phạm buôn người chưa được mở thường xuyên, chưa có sự chung tay, góp sức của toàn bộ hệ thống chính trị và toàn xã hội. Để chặn đứng được vấn nạn xã hội nguy hiểm này, bên cạnh việc “lấp đầy” các “khoảng trống” trên, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền để mọi người nâng cao cảnh giác. Công tác phòng chống mua bán người phải luôn được coi là một công tác toàn diện, phải vừa chống vừa phòng ngừa, vừa “rung chuông”, phải vừa mạnh tay trấn áp. Có như vậy, tội phạm mua bán người mới sớm được đẩy lùi.
P.V