Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) nhấn mạnh tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác bảo đảm trật tự, ATGT năm 2021, phương hướng, nhiệm vụ năm 2022, hôm nay (6/1).
|
|
Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh yêu cầu cần kiên trì xây dựng văn hoá giao thông an toàn. Ảnh:VGP |
Thông tin về tình hình ATGT, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, tính đến ngày 14/12/2021, lực lượng Cảnh sát giao thông đã xử lý 2.884.855 trường hợp vi phạm trật tự, ATGT đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa, phạt tiền gần 2.809 tỉ đồng, tước 248.667 giấy phép lái xe, bằng, chứng chỉ chuyên môn, tạm giữ 460.085 phương tiện các loại.
Về tai nạn giao thông, tính từ ngày 15/12/2020 đến 14/12/2021, toàn quốc xảy ra 11.495 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 5.799 người, bị thương 8.018 người.
So với năm 2020, số vụ TNGT giảm 3.496 vụ (-23,32%), số người chết giảm 1.068 người (-15,55%), số người bị thương giảm 3.143 người (-28,16%).
Phát biểu tại buổi lễ phát động ra quân Năm ATGT 2022 và cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần và lễ hội Xuân năm 2022 ngày 6/1, Phó Thủ tướng Trường trực Phạm Bình Minh nhấn mạnh, năm 2022 phải thực hiện tốt các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông tương ứng với nhịp độ phát triển kinh tế, sự gia tăng nhu cầu vận tải và mật độ phương tiện trong điều kiện đất nước chuyển trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, thúc đẩy và phục hồi phát triển kinh tế…
Các lực lượng chức năng cần tăng cường tuần tra kiểm soát, kiên quyết, kiên trì xử lý các hành vi vi phạm quy định pháp luật về trật tự, ATGT, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn khi lái xe và không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy, xe đạp điện, đây là hai nguyên nhân chính gây tai nạn giao thông và làm tăng tỷ lệ thương vong trong các dịp lễ, Tết.
|
Có 55 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có số người chết do TNGT giảm so với cùng kỳ năm 2020, trong đó 7 địa phương giảm trên 30% số người chết là: An Giang, Sơn La, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Bến Tre, Tây Ninh, Vĩnh Long. Đặc biệt, An Giang và Sơn La giảm trên 40% số người chết do TNGT.
Song, vẫn còn 4 địa phương có số người chết do TNGT tăng so với cùng kỳ 2020 là Kon Tum, Quảng Trị, Kiên Giang, Thái Bình, trong đó, có 2 tỉnh có số người chết tăng trên 10% trở lên là Kiên Giang và Thái Bình.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cho biết, năm 2021, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là sự nỗ lực của các lực lượng chức năng ngành Công an, giao thông vận tải, TNGT tiếp tục giảm mạnh cả 3 tiêu chí, số vụ, số người chết và số người bị thương. Tuy nhiên, TNGT vẫn ở mức cao, vẫn còn xảy ra một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về người và tài sản của nhân dân.
Tình trạng xe chở quá tải trọng vẫn còn tồn tại ở nhiều địa phương, gây bất bình trong nhân dân… vì thế, Chính phủ phải ban hành một số văn bản có liên quan trực tiếp đến công tác trật tự ATGT để triển khai ngay từ đầu năm 2022 như: Nghị định 123/2021/NĐ-CP, trong đó có nội dung sửa đổi, bổ sung Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
Cũng theo Phó Thủ tướng, Bộ Giao thông vận tải tập trung chỉ đạo các đơn vị của Bộ, các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ, đồng thời, bảo đảm chất lượng các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm, đặc biệt là tuyến cao tốc Bắc-Nam; kịp thời rà soát, xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT; xoá bỏ lối đi tự mở trái phép qua đường sắt; ngăn ngừa, xử lý hoạt động lấn chiếm tuyến luồng hàng hải, đường thuỷ nội địa.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh cần kiên trì xây dựng văn hoá giao thông an toàn, bởi theo thống kê gần 19% số vụ TNGT là do người điều khiển vi phạm làn đường, phần đường, trong khi gần 10% chuyển hướng không chú ý.
Để xây dựng được văn hóa giao thông, Phó Thủ tướng cho rằng, truyền thông có vai trò đặc biệt quan trọng, nhất là trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATGT gắn với việc thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch COVID-19 trong điều kiện đất nước trở lại trạng thái bình thường mới. Phó Thủ tướng yêu cầu hệ thống truyền hình, báo chí ở tất cả 63 địa phương tăng cường thời lượng, đa dạng hóa nền tảng tuyên truyền về vấn đề giao thông.
Ngoài ra, cần nâng cao năng lực, hiệu quả thực thi pháp luật về bảo đảm trật tự, ATGT và phòng chống dịch bệnh trong giao thông vận tải; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; xây dựng và đảm bảo khả năng kết nối, sử dụng chung các cơ sở dữ liệu về trật tự, ATGT.
Cùng với những giải pháp trên, Phó Thủ tướng yêu cầu, cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, trước hết là tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Kết luận số 45 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18 của Ban Bí thư khóa XI. Kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của Ủy ban ATGT quốc gia và Ban ATGT tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.
Tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật và các quy định liên quan đến công tác bảo đảm trật tự, ATGT, trọng tâm là nghiên cứu xây dựng dự án Luật Giao thông đường bộ sửa đổi và Luật Bảo đảm trật tự, ATGT đường bộ theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và ý kiến của các đại biểu Quốc hội trình Chính phủ báo cáo Quốc hội thông qua.