Đại tá Hà Minh Trân - Phó Cục trưởng Cục A67 cho biết: "Tại Việt Nam... lực lượng Công an đã phát hiện 10 đối tượng khủng bố quốc tế là thành viên chi nhánh tổ chức khủng bố quốc tế Al Qaeda và JI nhập cảnh vào Việt Nam"
 

1
Thứ trưởng Trương Minh Tuấn phát biểu khai mạc buổi tập huấn.


Sáng nay (28/12), Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức tập huấn, tuyên truyền về công tác phòng, chống khủng bố với sự tham gia của đông đảo cán bộ, công nhân viên các đơn vị trực thuộc Bộ.

Phát biểu khai mạc buổi tập huấn, ông Trương Minh Tuấn – Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định: “Phòng chống khủng bố là cuộc đấu tranh lâu dài, phải đặt trong sự chỉ đạo tuyệt đối của Đảng và đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ của cả Bộ Quốc phòng và Bộ Công an.

Trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công tác phòng chống khủng bố là lĩnh vực mới, phức tạp nên đòi hỏi các cán bộ, công nhân viên hoạt động trong lĩnh vực thông tin truyền thông phải được trang bị tốt về kỹ năng phòng chống khủng bố”.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn cho biết thêm, phương pháp hiệu quả để giúp người dân, cộng đồng nhận được thông tin, có kiến thức về lĩnh vực an ninh trật tự, phòng chống khủng bố, bảo vệ bản thân là phương pháp tuyên truyền, truyền thông từ các cấp chính quyền, các bộ, cơ quan ban ngành, đoàn thể và tới người dân. Vì vậy, trong những năm qua, ngành TT&TT luôn sát cánh cùng các lực lượng chuyên trách phòng, chống khủng bố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục làm cho cấp ủy, chính quyền các cấp, ngành, lực lượng vũ trang và toàn dân nhận thức đúng đắn, đầy đủ về nguyên nhân cũng như sự nguy hiểm, tác hại, ảnh hưởng to lớn do khủng bố gây ra đối với an ninh quốc gia, trật tự xã hội, đồng thời, nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong phòng, chống khủng bố cho các tổ chức, lực lượng và toàn dân, nhất là địa bàn chiến lược, trọng yếu về quốc phòng, an ninh, góp phần làm trong sạch địa bàn, giữ vừng an ninh chính trị, an toàn xã hội ở địa phương, cơ sở.

Thứ trưởng Tuấn cũng khẳng định, việc phổ biến, quán triệt và tập huấn công tác phòng, chống khủng bố là hết sức thiết thực nhằm cập nhật tình hình và trang bị những kiến thức phòng, chống khủng bố cho đội ngũ cán bộ, công chức ngành TT&TT kịp thời nắm bắt được những nội dung quan trọng nhất về công tác phòng, chống khủng bố, để nắm chắc được tình hình và hệ thống văn bản về phòng, chống khủng bố, phục vụ cho nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, chung sức trong thế trận an ninh nhân dân vững chắc, tạo điều kiện duy trì hòa bình và ổn định cho đất nước, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội ngày càng bền vững, đồng thời, phục vụ cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và triển khai các biện pháp phòng, chống khủng bố tại các cơ quan, đơn vị…

Trao đổi tại buổi tập huấn, Đại tá Hà Minh Trân – Phó Cục trưởng Cục A67 (Bộ Công an) cho biết: "Tại Việt Nam, đến nay chưa xảy ra vụ khủng bố quốc tế nào, tuy nhiên lực lượng Công an đã phát hiện 10 đối tượng khủng bố quốc tế là thành viên chi nhánh tổ chức khủng bố quốc tế Al Qeada và JI tại khu vực Đông Nam Á nhập cảnh vào Việt Nam với mục đích nguỵ trang là du lịch, thương mại.

Qua điều tra, xác định số đối tượng này nhập cảnh vào Việt Nam nhằm tránh sự càn quét của các nước, trong đó có đối tượng Mohammed Mustafa, thành viên tổ chức JI nhập cảnh vào Việt Nam 4 lần.

Ngoài ra, Bộ Công an còn phát hiện và trục xuất 04 đối tượng thuộc tổ chức “Những con hổ giải phóng Tamil” nhập cảnh vào Việt Nam có hoạt động lừa đảo, sử dụng 18 thẻ ATM giả để rút tiền.

Xuất hiện một số vụ đối tượng gửi thư, băng đĩa vi tính đến các Thánh đường Hồi giáo ở TP Hà Nội vào TP.HCM có nội dung hướng dẫn cách chế tạo, sử dụng bom, mìn, kích động tư tưởng Hồi giáo cực đoan, kêu gọi tấn công nhắm vào lợi ích của Mỹ và đồng minh.

Hoạt động khủng bố ở Việt Nam nổi lên là hoạt động khủng bố của các tổ chức phản động lưu vong ở nước ngoài, các tổ chức này đã đánh phá, đặt bom ở ĐSQ Việt Nam tại Thái Lan, Phillipines, Anh, Pháp.

Chúng có kế hoạch tấn công vào các lãnh đạo Việt Nam đi dự đại hội đồng Liên hợp quốc, có kế hoạch bắt cóc số cán bộ Việt Nam đi công tác ở nước ngoài nhằm gây áp lực với chính phủ Việt Nam;

Ở trong nước, các tổ chức này đã mở nhiều chiến dịch tấn công vào các mục tiêu, công trình trọng điểm, vào các nơi tập trung đông người và các công trình dân sinh. Tuy nhiên, tất cả những hoạt động động trên đều bị Bộ Công an điều tra, ngăn cản và bắt giữ.

Nhận định về tình trạng khủng bố quốc tế tại Việt Nam, Đại tá Hà Minh Trân cũng nêu ra các nguy cơ phát sinh khủng bố như: Việt Nam là nước có nhiều mục tiêu mà tổ chức khủng bố có thể tập trung tấn công (cơ quan đại diện ngoại giao của các nước, các cơ sở kinh tế nước ngoài tại Việt Nam…); Việt Nam nằm liền kề với các quốc gia trong khu vực có các tổ chức khủng bố hoạt động mạnh như Phillipines, Indonesia, Thái Lan… hay những địa bàn ẩn náu thuận lợi cho khủng bố như Campuchia, Malaysia; hàng năm có hàng trăm người Hồi giáo Việt Nam được tài trợ xuất cảnh hành hương tại Thánh địa Mecca, đây là điều kiện thuận lợi để các tổ chức khủng bố quốc tế lợi dụng tuyên truyền tư tưởng Hồi giáo cực đoan… cùng nhiều nguy cơ khác.

Về lĩnh vực thông tin, tại Việt Nam đã xuất hiện nguy cơ sử dụng không gian mạng vào mục đích khủng bố. Mỗi năm, nước ta có hàng nghìn cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử bị tin tặc tấn công, chiếm quyền quản trị, thay đổi nội dung gây đình trệ, rối loạn hoạt động, gây hoang mang trong dư luận…

Trước những tình trạng trên, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Bộ Công an và Bộ Quốc phòng tổ chức tập huấn, tuyên truyền cho cán bộ, công nhân viên của các cơ quan trực thuộc Bộ, trang bị kỹ năng phòng, chống khủng bố trong thời đại công nghệ thông tin đang giữ vai trò quan trọng trong công tác bảo vệ và xây dựng đất nước.
 

Theo infonet

.