Đồng thời, uy tín quốc tế của Việt Nam ngày càng tăng, Việt Nam tăng 20 bậc trên bảng xếp hạng môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (WB), tăng 10 bậc trên bảng xếp hạng về năng lực cạnh tranh toàn cầu của IMF, tăng 17 bậc trên bảng xếp hạng về đổi mới sáng tạo toàn cầu (WIPO), tăng 3 bậc trên bảng xếp hạng Chính phủ điện tử của Liên Hợp Quốc…

leftcenterrightdel
 Thủ tướng  yêu cầu sớm ban hành Kế hoạch cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh năm 2021. Ảnh: VGP

Đặc biệt, theo Thủ tướng, chúng ta thành công trong việc thực hiện “mục tiêu kép”.

Về tình hình kinh tế- xã hội 3 tháng năm 2021, Thủ tướng cho rằng, hết sức đáng mừng song còn nhiều vấn đề cần quan tâm như: sản xuất kinh doanh, lao động, việc làm vẫn còn khó khăn, số doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh có thời hạn tăng lên, vấn đề tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội,…

Về phòng, chống dịch COVID-19, tiếp tục đề cao cảnh giác, tuyệt đối không chủ quan, thực hiện quyết liệt "5K + vaccine"; sớm nghiên cứu và ban hành cơ chế "hộ chiếu vaccine" để thúc đẩy thương mại, đầu tư.

Tại cuộc họp này, Thủ tướng cũng yêu cầu sớm ban hành Kế hoạch cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh năm 2021 và tăng cường đối thoại, tham vấn, tiếp thu ý kiến của các tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp về quy định không còn phù hợp, là rào cản, gây khó khăn đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đổi mới hoạt động kiểm tra chuyên ngành theo hướng tập trung đầu mối, phân định rõ thẩm quyền, chuyển mạnh từ cơ chế “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”.

Đồng thời, thúc đẩy tiêu thụ nông sản, nhất là các nông sản theo mùa vụ. Các bộ, ngành, nhất là, Bộ Giao thông vận tải tiếp tục thúc đẩy triển khai các dự án trọng điểm, trong đó, Thủ tướng đặc biệt lưu ý sớm khánh thành tuyến cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận.

Yêu cầu đẩy mạnh việc tiêm vaccine cũng như nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước, Thủ tướng cho biết, “Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã tiêm mũi thứ 2 thử nghiệm vaccine trong nước, tôi có hỏi thăm thì biết sức khỏe của Phó Thủ tướng tốt”. Chúng ta đẩy mạnh nhập khẩu vaccine nhưng nhiệm vụ sản xuất vaccine trong nước cũng rất quan trọng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho biết, phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 diễn ra khi chỉ còn ít ngày nữa là bộ máy của Chính phủ sẽ được kiện toàn, “sẽ có người nhận nhiệm vụ mới, cương vị mới, có người nghỉ chế độ”, và bày tỏ sự cảm ơn về sự cộng tác, hợp tác hết sức chặt chẽ, trách nhiệm, liên tục, đặc biệt là trong khóa XIV này hết sức thành công của các thành viên; cảm ơn các đồng chí đã sát cánh với Thường trực Chính phủ trong suốt 5 năm qua”.

Cũng tại phiên họp, Chính phủ đã nghe, thảo luận báo cáo về chủ trương tiếp nhận khoản hỗ trợ ngân sách cho mục tiêu phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu. Thủ tướng cũng bày tỏ sự nhất trí về nguyên tắc cho việc vay nguồn vốn quốc tế với tổng số khoảng 2 tỉ USD (của WB, của Đức, Pháp) cho mục tiêu phát triển ĐBSCL.

 Theo đó, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm hoàn thiện quy hoạch ĐBSCL, phối hợp với các bộ, địa phương liên quan tách ra các dự án đầu tư cụ thể, xác định dự án đầu tư nào thuộc nhiệm vụ ngân sách trung ương thì cấp phát 100%, dự án nào thuộc trách nhiệm của tỉnh thì địa phương vay lại theo quy định hiện hành.

Về phía Bộ Tài chính, khẩn trương trình Chính phủ sửa Nghị định 97 theo hướng có tỉ lệ vay lại hợp lý hơn nhằm tạo thuận lợi cho các tỉnh khó khăn, trong đó có các tỉnh ĐBSCL, nhất là các giai đoạn bị tác động của COVID-19 còn kéo dài.

Trong quý I/2021, theo đánh giá, kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng kinh tế quý I/2021 cao hơn quý I/2020, ước tăng 4,48%. Hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại trạng thái bình thường làm nhu cầu tín dụng của nền kinh tế tăng; thị trường bảo hiểm duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định; thị trường chứng khoán tăng trưởng khá với tổng mức huy động vốn tăng 42% so với cùng kỳ.

Vốn đầu tư phát triển tăng khá, đạt 6,3%, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng. Tổng vốn FDI cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần đạt hơn 10 tỉ USD, tăng 18,5%. Đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài tăng 6 lần.

Ngoài ra, hoạt động xuất nhập khẩu ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ, tận dụng hiệu quả các Hiệp định FTA đã được ký kết. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 152,7 tỉ USD, tăng 24,1%. Xuất siêu trên 2 tỉ USD.

Chỉ số giá tiêu dùng được kiểm soát ở mức thấp. CPI bình quân quý I/2021 so với cùng kỳ năm 2020 tăng 0,29%.


Nguyễn Anh